Dấu hiệu nhận biết ung thư vú

Bệnh ung thư vú hiện có tỉ lệ gia tăng trong những năng gần đây. Vậy dấu hiệu nhận biết ung thư vú như thế nào và tại sao phải tầm soát ung thư vú?

Dấu hiệu nhận biết ung thư vú

Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh và di căn xa.

Ung thư vú là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng. Do vậy chị em phụ nữ cần tự khám vú của mình thường xuyên, để phát hiện bất thường kịp thời khi có những thay đổi nhỏ.

Các dấu hiệu nhận biết ung thư vú thường gặp là:

- Người bệnh có cảm giác đau vùng vú, có thể là đau dấm dứt không thường xuyên, thi thoảng đau nhói theo kiểu kim châm. Một số bệnh nhân có biểu hiện chảy dịch đầu núm vú, có thể chảy dịch lẫn máu.

- Ở giai đoạn muộn có thế thấy các triệu chứng do khối u vú xâm lấn gây lở loét, hoại tử ra ngoài da, gây chảy dịch, mùi hôi thối.

- Triệu chứng khối u đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như: di căn xương gây đau xương, di căn não gây đau đầu, buồn nôn, chóng mặt,...Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, ăn kém, gầy sút cân, đôi khi biểu hiện sốt.

Phòng ngừa ung thư vú

Các chị em phụ nữ hãy "lắng nghe" cơ thể, hiểu rõ bộ ngực mình, khi có dấu hiệu bất thường nên đi khám ngay tại các cơ sở điều trị chuyên khoa.

Đối với người bệnh mắc ung thư vú, sau điều trị bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm thích hợp.

Tùy theo giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị nhằm phát hiện và xử trí các trường hợp tái phát, tác dụng phụ và các di chứng của điều trị, cũng như hướng dẫn dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Thường các bác sĩ khuyên nên chụp nhũ ảnh hằng năm và tái khám mỗi 3-6 tháng cho 3 năm đầu, 6-12 tháng cho 2 năm tiếp theo và 12 tháng cho các năm sau đó.

Người bệnh cần tuyệt đối không chữa theo mách bảo, tránh một số cách trị bệnh không đúng như đắp thuốc rút mủ, lấy cùi, giặt lá cây hoặc chích lể làm bệnh bùng lên thì chỉ còn cách trị tạm bợ và dự hậu rất xấu.

Các bác sĩ chuyên khoa phối hợp phẫu - xạ - hóa trị và liệu pháp sinh học thật nhuần nhuyễn phù hợp với từng người bệnh, giúp cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm nhiều người khỏi bệnh, ung thư vú giai đoạn trễ và lan tràn kéo dài sống còn và tăng chất lượng cuộc sống.

Tại sao phải tầm soát ung thư vú

Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ với 1,7 triệu người mắc và nửa triệu người chết hàng năm. Ở các nước phát triển, cứ 8 người thì có 1 người mắc ung thư vú. Ở châu Âu, cứ 2 phút lại có thêm 1 người mắc ung thư vú và cứ 6 phút lại có 1 người chết vì ung thư vú

Tỷ lệ mắc cao nhất ở Tây Âu và Mỹ, thấp nhất ở châu Phi và châu Á nhưng hiện nay tỷ lệ mắc ở các nước phát triển tăng rất nhanh.

40-90% bệnh nhân ở các nước đang phát triển, ít tầm soát nên khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn

Vì vậy, phát hiện sớm, điều trị kịp thời là quan trọng nhất

Các phương pháp khám sàng lọc ung thư vú

- Tự khám vú: nên tự khám sau khi sạch kinh 3-7 ngày. Khi khám đứng hoặc ngồi trước gương

+ Quan sát sự thay đổi về kích thước, hình dạng vú bằng cách so sánh 2 vú, thay đổi bề mặt da và hình dạng núm vú.

+ Sờ vú xem có u cục bất thường. Nếu có bất thường hoặc nghi ngờ hoặc không tự khám được cần đến khám bác sỹ chuyên khoa ung bướu. Với phụ nữ trên 40 tuổi mỗi năm nên đi khám vú ít nhất 1 lần

- Chụp XQ tuyến vú:

+ Phát hiện được u nhỏ (dưới 5mm) thậm chí khi chưa sờ thấy trên lâm sàng, hoặc các nốt vi vôi hóa là dấu hiệu sớm của ung thư.

+ Chụp XQ vú không gây hại vì sử dụng liều tia X rất thấp

- Siêu âm tuyến vú

- Chọc hút tế bào hoặc sinh thiết nếu phát hiện thấy khối u

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dau-hieu-nhan-biet-ung-thu-vu-290488.html