Dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A khiến 15 trẻ ở Anh tử vong

Theo tờ Independent, đã có ít nhất 15 trường hợp trẻ tử vong với nguyên nhân được xác định là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn tại Vương quốc Anh, Bắc Ireland và xứ Wales trong tuần gần đây.

Nhiễm liên cầu khuẩn thường nhẹ nhưng có thể gây nhiễm trùng nặng nếu có yếu tố nguy cơ và không can thiệp đúng cách (Ảnh: Dailyrecord)

Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thì liên cầu khuẩn nhóm A là loại vi khuẩn phổ biến có thể tìm thấy trong họng hoặc trên da.

Số liệu gần đây nhất từ UKHSA liệt kê 13 trường hợp tử vong liên quan đến nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A ở Anh. Trong khi đó, ca tử vong thứ 14 là ở Bắc Ireland và trường hợp thứ 15 ở xứ Wales.

1. Triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A (Strep A)

Liên cầu khuẩn nhóm A có tên gọi khác là Streptococus nhóm A - gồm nhóm liên cầu khuẩn không xâm lấn (GAS) và liên cầu khuẩn xâm lấn (iGAS) là loại khuẩn gây viêm họng và nguy hiểm nhất thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch và chất tiết từ mũi họng của người nhiễm bệnh.

1.1. Liên cầu khuẩn nhóm A gây bệnh gì?

Liên cầu khuẩn nhóm A không xâm lấn thường gây ra các bệnh như viêm họng liên cầu, sốt ban đỏ, viêm amidan, chốc lở, nhiễm trùng tai và viêm phổi. Đây là loại khuẩn dễ lây lan hơn so với nhóm Streptococcus nhóm A xâm lấn (iGAS).

Mặc dù đa phần các trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A đều nhẹ, nhưng trong một số trường hợp chúng có thể gây nhiễm trùng cực kì nghiêm trọng ở trẻ - cụ thể là Streptococcus nhóm A xâm lấn xảy ra khi vi khuẩn vượt qua khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể và có thể gây ra Hội chứng sốc nhiễm độc Streptococcal (nhiễm độc liên cầu), sốt thấp khớp, viêm màng não, viêm cân mạc hoại tử và gây tử vong.

Nhiễm trùng iGAS có xu hướng xảy ra ở người già, trẻ nhỏ hoặc những người có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn như tiêm chích ma túy, nghiện rượu, đang điều trị ức chế miễn dịch hoặc bị ung thư.

1.2. Triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A thường không có triệu chứng nhưng theo Bệnh viện NHS Queen Victoria thì các dấu hiệu cảnh báo nhiễm Strep A có thể bao gồm:

- Sốt cao 40 độ C

- Đau cơ nghiêm trọng

- Đau ở một vùng trên cơ thể

- Các vết đỏ tại vết thương

- Nôn mửa

- Tiêu chảy

Khi thăm khám quan sát sẽ thấy vòm họng có mủ trắng, bẩn tại khe và hốc amidan ở 2 bên; ngoài ra khi sờ dưới hàm sẽ có hạch với mật độ di động cao, khi ấn vào hạch sẽ thấy đau.

Do nhiễm khuẩn nên bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh để giải quyết tình trạng nhiễm trùng đồng thời sát khuẩn bằng các biện pháp như súc họng, miệng bằng nước muối sinh lý.

Khi thăm khám quan sát sẽ thấy vòm họng có mủ trắng, bẩn tại khe và hốc amidan ở 2 bên (Ảnh: Internet)

1.3. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Theo NHSiform thì cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ nếu:

- Trẻ thở rút lõm lồng ngực

- Da, lưỡi hoặc môi trẻ chuyển màu tím, tái xanh do thiếu oxy

- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức

- Các triệu chứng ngày một trầm trọng hơn

- Trẻ chán ăn hoặc bỏ ăn

- Trẻ mất nước với biểu hiện tã khô từ 12 giờ trở lên, không tiểu, mắt trũng sâu, thóp thũng

- Trẻ dưới 3 tháng sốt 38 độ C hoặc trẻ trên 3 tháng tuổi sốt từ 39 độ C trở lên

- Chạm vào da lưng hoặc ngực thấy nóng hơn bình thường hoặc đổ mồ hôi, da ẩm

- Mệt mỏi, cáu kỉnh.

Thông thường để chẩn đoán nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A ngoài quan sát thăm khám các biểu hiện lâm sàng thì các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được chỉ định để xác định chủng nhiễm bao gồm:

+ Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cho thấy tỷ số bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao

+ Xét nghiệm dịch nhầy ở họng theo phương pháp soi tươi hoặc nuôi cấy

+ Kiểm tra định lượng kháng thể liên cầu trong máu.

Xét nghiệm dịch nhầy ở họng theo phương pháp soi tươi hoặc nuôi cấy giúp phát hiện liên cầu khuẩn (Ảnh: Internet)

2. Cha mẹ có thể làm gì để phòng ngừa?

Làm bệnh dễ lây nhiễm thông qua tiếp xúc nên nguyên tắc quan trọng nhất trong phòng ngừa nhiễm trùng do liên cầu khuẩn nhóm A nói riêng và nhiễm khuẩn liên cầu nói chung đó là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng các dung dịch sát khuẩn chứa cồn trên 60 độ sau khi tiếp xúc ở các bề mặt dùng chung.

Hướng dẫn trẻ ho và hắt hơi che miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy dùng một lần. Không để trẻ tiếp xúc với những người mắc bệnh hô hấp hay nghi ngờ mắc bệnh hô hấp.

Tiến sĩ Nick Phin, giám đốc khoa Sức khỏe cộng đồng tại PHS nhấn mạnh rằng: "Những hành động đơn giản này có thể giúp giảm sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng thông thường như liên cầu khuẩn nhóm A".

Nguồn: Independent, NHSifrom

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dau-hieu-nhiem-lien-cau-khuan-nhom-a-da-khien-15-tre-o-anh-tu-vong-gan-day-la-gi-20221209115018584.htm