Dấu hiệu pháp lý của tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi'?

Dư luận đang ngóng chờ kết quả xét xử vụ gian lận thi ở Hà Giang. Báo BVPL có nhiều bài viết xung quanh vụ việc này và gần đây là bài 'Vụ gian lận thi ở Hà Giang: Khai trừ Đảng 2 cựu cán bộ Sở GD-ĐT', tôi xin hỏi thế nào được coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi? Dấu hiệu pháp lý của tội này?

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được quy định cụ thể tại Điều 358, Bộ luật hình sự năm 2015.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi trực tiếp hay qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ.

Dấu hiệu pháp lý của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”:

Khách thể

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã tác động đến người có chức vụ, quyền hạn khác để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích vật chất. Việc làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của người có chức vụ, quyền hạn hoặc làm một việc không được phép làm xâm phạm đến hoạt động chung của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đồng thời gây thiệt hại đến uy tín của cơ quan, tổ chức này.

Mặt khách quan

Người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; trong trường hợp giá trị dưới 2 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Hành vi của người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội danh này với tội nhận hối lộ. Nếu như trong tội nhận hối lộ, người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì trong tội này, người có chức vụ, quyền hạn lại dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy, tác động người có chức vụ, quyền hạn khác để người này làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trong thực tế, người có ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn thường là người có chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có ảnh hưởng chỉ là người có chức vụ, quyền hạn tương đương hoặc thậm chí thấp hơn. Điều này không có nghĩa đối với việc định tội.

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn.

Mặt chủ quan

Động cơ của người phạm tội là động cơ tư lợi. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.

Chú ý phân biệt giữa tội “Nhận hối lộ” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”

Dấu hiệu bắt buộc của tội “Nhận hối lộ” là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ; còn dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” là hành vi nhận tiền, hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác.

Luật sư: Trần Văn Kiệm (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/giai-dap-phap-luat/dau-hieu-phap-ly-cua-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-gay-anh-huong-doi-voi-nguoi-khac-de-truc-loi-75948.html