Dấu hiệu 'tan băng'

Theo hãng thông tấn Yonhap, tháng 12 tới, dự kiến một đoàn khoảng 3.000 người Trung Quốc sẽ đến Hàn Quốc du lịch. Chuyến đi trên là phần thưởng cuối năm của Tập đoàn Youde, ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc dành cho các nhân viên của mình.

Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, đây sẽ là nhóm du khách đầu tiên được nhà chức trách Trung Quốc cho phép đến Hàn Quốc kể từ lệnh cấm được Bắc Kinh ban hành vào giữa tháng 3 năm nay.

Diễn biến mới nhất này phần nào cho thấy dấu hiệu tan băng trong quan hệ Trung-Hàn, vốn trở nên vô cùng căng thẳng sau khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đất Hàn Quốc. Trước đó, bên lề các hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila (Philippines) ngày 13-11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc tiếp xúc song phương. Tại đây, hai bên đều khẳng định lại những nỗ lực nhằm nhanh chóng bình thường hóa quan hệ.

Cuộc tiếp xúc trên diễn ra chỉ 2 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Việt Nam. Và trên thực tế, hai nước chỉ mới đồng ý bình thường hóa quan hệ trong một tuyên bố chung được bộ ngoại giao hai bên ban hành ngày 31-10 vừa qua. Sau khi Mỹ triển khai THAAD, quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul xấu đi thấy rõ. Cả Seoul và Washington đều khẳng định lá chắn tên lửa này là cần thiết nhằm đối phó với những đe dọa quân sự của Triều Tiên. Tuy nhiên, nỗ lực phòng thủ chung của Mỹ - Hàn Quốc vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh với lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa trên sẽ làm suy yếu năng lực quân sự của Trung Quốc.

Là đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc, Bắc Kinh đã thông qua một loạt biện pháp trả đũa kinh tế gây bất lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, đồng thời cấm người dân du lịch tới nước này. Các biện pháp trên đã có tác động mạnh lên một số doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, trong đó có tập đoàn bán lẻ Lotte (doanh nghiệp cung cấp đất để triển khai THAAD) và nhà sản xuất xe hơi Hyundai. Sau khi bị Trung Quốc đóng cửa hàng loạt các siêu thị vì lý do “quan ngại về an toàn cháy nổ”, Lotte đã phải chuyển hướng sang các thị trường khác như Việt Nam, Indonesia. E-mart - chuỗi bán lẻ nổi tiếng khác của Hàn Quốc, cũng đang rao bán 5 trong tổng số 6 siêu thị ở Trung Quốc và lên kế hoạch đầu tư sang Đông Nam Á và Trung Á.

Ngành du lịch Hàn Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn do lệnh cấm của Bắc Kinh. Tính đến tháng 9 vừa qua, số du khách Trung Quốc đến xứ kim chi đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, với việc mỗi du khách Trung Quốc khi đến nước này chi trung bình khoảng 2.219 USD, ngành công nghiệp không khói của Hàn Quốc mất khoảng 7,3 tỷ USD.

Theo Yonhap, Tổng thống Moon Jae-in dự kiến thăm Trung Quốc vào tháng 12 tới, trong khi Tổng thống Hàn Quốc mời ông Tập Cận Bình đến thăm Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào tháng 2-2018. Với những chuyển động về ngoại giao đầy tích cực nêu trên, rất nhiều người đang kỳ vọng quan hệ Trung-Hàn “lại sáng sau cơn mưa”.

HẢI LONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dau-hieu-tan-bang-482795.html