Dấu hiệu xấu

Thông điệp từ các vụ không kíchPhần lớn thế giới đã cảm thấy ngạc nhiên khi đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp ra lệnh thực hiện các cuộc không kích bất ngờ ngày 26-2 nhằm vào một số mục tiêu nằm ở miền Đông Syria, gần biên giới với Iraq, mà phía Mỹ mô tả là 'các cơ sở của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn'.

Một tòa nhà thiệt hại sau vụ bắn tên lửa vào Irbil Iraq ngày 16-2. Ảnh | AFP

Một tòa nhà thiệt hại sau vụ bắn tên lửa vào Irbil Iraq ngày 16-2. Ảnh | AFP

Thông điệp từ các vụ không kích

Phần lớn thế giới đã cảm thấy ngạc nhiên khi đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp ra lệnh thực hiện các cuộc không kích bất ngờ ngày 26-2 nhằm vào một số mục tiêu nằm ở miền Đông Syria, gần biên giới với Iraq, mà phía Mỹ mô tả là "các cơ sở của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn".

Phía Mỹ tuyên bố các lực lượng này, Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhada, đã từng thực hiện một số vụ tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự cũng như các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Theo số liệu do phía Mỹ công bố, khoảng 22 chiến binh thuộc PMF, tổ chức chủ yếu là người Shia do Iran hậu thuẫn, đã bị thiệt mạng sau các vụ không kích này.

Đây là hành động quân sự đầu tiên kể từ khi ông Biden chính thức tiếp quản Nhà Trắng hơn một tháng trước, sau khi đã trải qua những ngày tranh đấu cam go với người tiền nhiệm của mình là ông Trump. Theo như tuyên bố chính thức của phía Mỹ thì những cuộc không kích này là nhằm đáp trả các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và đồng minh tại Iraq trong tháng 2 vừa qua. Hồi đầu tháng 2, các vụ phóng tên lửa vào khu vực Mỹ đóng quân đã khiến cho một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng. Tiếp đó, ngày 15-2, các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào những cơ sở quân đồng minh của Mỹ trú đóng ở tỉnh Irbil cũng đã khiến cho một nhân viên người Mỹ và năm nhà thầu khác bị thương.

Lầu Năm góc thông báo rằng các cuộc không kích của Mỹ được tiến hành đồng thời với "các biện pháp ngoại giao", bao gồm cả việc tham vấn ý kiến các đồng minh của Mỹ trước khi thực hiện vụ tấn công. Có tin nói Tổng thống Pháp Macron đã ủng hộ hành động này của ông Biden.

Như để làm rõ hơn ý kiến này, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ bày tỏ lời cảm ơn phía Iraq vì đã cung cấp những thông tin tình báo phục vụ cho cuộc tấn công. Nó cho thấy một khía cạnh trong chính sách của ông Biden: hạn chế tối đa các hành động đơn lẻ (như dưới thời ông Trump) mà luôn tìm kiếm sự đồng thuận từ phía các đồng minh. Nói cách khác, trái ngược với ông cựu Tổng thống Trump, tân Tổng thống Biden muốn củng cố các liên minh để tăng cường gây sức ép khi thực hiện những hành động nào đó liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ, dù đó là để nhằm kiềm chế Trung Quốc hay đưa ra lời cảnh báo với Iran.

Vụ không kích bất ngờ của Mỹ vào một số cơ sở quân sự ở Syria gần biên giới với Iraq gửi đi một thông điệp không có gì rõ ràng hơn: các lực lượng Mỹ sẽ trả đũa bất kỳ một hành động của tổ chức hay cá nhân nào hành động có khả năng làm phương hại đến tính mạng hay lợi ích của Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Bộ trưởng ngoại giao Syria, sau khi lên án các hành động không kích của Mỹ trên lãnh thổ Syria, đã cho rằng vụ tấn công là "một dấu hiệu xấu" trong chính sách của tân chính quyền Mỹ, trong khi lẽ ra phải tuân thủ các luật lệ quốc tế.

Những khó khăn do người tiền nhiệm của ông Biden tạo ra

Vụ không kích của Mỹ diễn ra đúng vào lúc chính quyền của ông Biden đang tìm cách đưa Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tehran ký với nhóm P5+1 (JCPOA). Trước đấy, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận mà ông Trump mô tả là "thảm họa".

Hơn thế nữa, ngay thời điểm một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, lấy lý do ngăn ngừa mối đe dọa an ninh nhằm vào Mỹ trong tương lai, Tổng thống Trump đã ra lệnh giết chết tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), cũng bằng một cuộc không kích. Hành động này chẳng khác nào chặt mọi cây cầu nối giữa hai bên, ngăn ngừa bất cứ khả năng giao thiệp giữa Washington với Tehran.

Nhưng hai năm cuối dưới triều ông Trump cũng đã chứng kiến chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ bằng các lệnh trừng phạt, cấm vận, thậm chí đe dọa hành động vũ lực đã không bẻ gẫy được Iran. Trái lại, nước này một mặt tuyên bố với các đối tác châu Âu rằng sẽ tiếp tục tuân thủ JCPOA nếu phía bên kia cũng hành động tương tự, nhưng mặt khác cũng từng bước tháo gỡ các điều kiện của JCPOA nhằm trói tay Tehran trong việc phát triển năng lực hạt nhân của mình.

Điển hình là việc Iran tăng dần cả về số lượng lẫn chất lượng uranium trong kho dự trữ của mình. Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA mới đây đã công bố một báo cáo cho rằng Tehran đã trữ được số lượng uranium có tỷ lệ làm giàu thấp lớn gấp 12 lần so với thời kỳ đang tuân thủ JCPOA. Ngoài ra, Iran cũng bắt đầu từng bước làm giàu uranium hơn mức 3,67% như đã quy định trong thỏa thuận JCPOA.

Nếu nhìn vào "thành quả" hai năm đó dưới thời ông Trump thì hẳn nhiên Tổng thống Biden, người mới chỉ nhận nhiệm sở hồi cuối tháng 1 vừa qua, có lý do để không đi theo con đường chỉ dẫn tới thất bại trong chính sách với Iran. Nên một cách logique, ngay từ thời kỳ còn vận động tranh cử Tổng thống, ông Biden đã tuyên bố nếu đắc cử sẽ đảo ngược chính sách trừng phạt Iran dưới thời ông Trump, đưa Mỹ quay trở lại JCPOA. Và đúng là ông Biden đã thực hiện cam kết tranh cử của mình, tuyên bố muốn đưa Mỹ quay trở lại JCPOA.

Nghệ thuật của sự cân bằng

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sau hai tháng, ông Biden không dỡ bỏ bất cứ một biện pháp trừng phạt nào chống lại Iran mà các chính quyền của Mỹ đã từng áp đặt trước đây, kể cả dưới quyền ông Trump. Về tổng thể, có các biện pháp trừng phạt đã có từ cách đây tới mấy chục năm, sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran; có những biện pháp trừng phạt cũng không hề liên quan đến chương trình hạt nhân và hiệp ước JCPOA mà Iran ký với nhóm P5+1. Để gỡ bỏ những biện pháp trừng phạt như vậy cần rất nhiều thời gian.

Nhưng điều căn bản nằm ở chỗ chính quyền của Tổng thống Biden không muốn bị mang tiếng là nhượng bộ quá nhanh trước Iran. Việc đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho ông Biden nếu như một vấn đề liên quan đến Iran được đưa ra trước Quốc hội, nhưng chỉ riêng việc đưa ra khả năng bãi bỏ một biện pháp trừng phạt Iran chắc chắn sẽ vấp phải sự chống đối dữ dội từ phía đảng Cộng hòa.

Do vậy, không những ông Biden chưa vội vàng gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran mà trái lại, còn sẵn sàng thực hiện các hành động cứng rắn mà các vụ không kích cuối tháng 2 vừa qua nhằm vào lực lượng ở Syria là một thí dụ điển hình. Vấn đề ở đây là nghệ thuật của sự cân bằng, không để già néo đứt dây! Như để làm dịu bớt tình hình, Thư ký báo chí của Lầu Năm góc John Kirby tuyên bố rằng các vụ không kích là để nhằm "trừng phạt" những nhóm vũ trang đã tấn công vào các cơ sở và người Mỹ, nhưng "không làm gia tăng căng thẳng với Iran".

Dù vậy, có thể thấy các vụ không kích này đã được hoạch định kỹ càng, tạo lập sự đồng thuận với các đồng minh, đồng thời là một sự thử nghiệm của ông Biden về chiến lược mới và tiếp tục phô diễn sức mạnh của Mỹ. Ông Biden muốn nhắn gửi đến Tehran: việc Mỹ có ý định quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân với Iran không có nghĩa là các lực lượng do Tehran ủng hộ ở trong khu vực Trung Đông tự tung tự tác muốn làm gì thì làm!

Nếu Mỹ gắng giữ một mối liên hệ mong manh với Iran để mở ra khả năng tiếp tục duy trì JCPOA (có thể với hình thức khác) nhằm tiếp tục kiềm chế khả năng phát triển hạt nhân của Tehran thì phía Iran vẫn là bậc thầy trong chiến lược "bên miệng hố chiến tranh".

Một mặt, Iran dần tái khởi động quá trình làm giàu uranium theo từng bước, vượt qua ngưỡng giới hạn theo JCPOA, trong khi tiếp tục nghe ngóng động tĩnh từ phía Mỹ. Các quan chức Iran, trong đó có cựu Đại sứ Iran tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, ông Ali Asghar Soltanieh, không ngần ngại nhắc đi nhắc lại rằng đó là một quá trình "không thể đảo ngược". Và ngay cả đòi hỏi của Tehran về việc Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt (điều mà Mỹ còn chưa vội thực hiện) để đổi lấy việc hai bên ngồi vào bàn đàm phán tiếp tục duy trì JCPOA, giờ đây với Tehran cũng không còn đủ nữa! Phía Iran còn muốn Mỹ phải bồi thường cho những thiệt hại về kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump trong hơn hai năm qua, một đòi hỏi mà chắc chắn Mỹ khó mà có thể đáp ứng.

Điều đó có nghĩa là hai bên lại tiếp tục rơi vào cái vòng xoáy kinh điển "quả trứng có trước hay con gà có trước" trong các tính toán chính trị, khi mà sự nhượng bộ trước có thể bị coi như là biểu hiện của sự yếu ớt.

Mối quan hệ đầy xung khắc với Iran chắc chắn lại là một món "gân gà" khó nuốt của ông Biden không dễ giải quyết trong một sớm một chiều, cho dù ông chỉ mới vào phòng Bầu Dục trong chưa đầy hai tháng, còn nhiều thời gian trong một nhiệm kỳ trước mắt.

YÊN BA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-quoc-te/dau-hieu-xau-640254/