Dấu hỏi cho 'lời hứa Brexit'

Không nhiều người biết rằng khi nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-Brexit, các đại sứ quán của Anh trên khắp thế giới đã được lệnh không tổ chức bất kỳ một hoạt động nào để đánh dấu sự kiện này. Phản ứng này cho thấy Chính phủ 'xứ sở sương mù' nhận thức rõ về cái giá của Brexit và chia tay 'lục địa già' chưa hẳn là một thắng lợi đáng chúc mừng…

Khó khăn đầu tiên chính là việc Anh phải định hình được mối quan hệ trong tương lai với EU. Các cuộc đàm phán chông gai vẫn còn nằm phía trước, bởi trong khi Anh muốn đi con đường riêng nhưng lại không thể bỏ qua được đối tác thương mại hàng đầu này. Việc ở chung một mái nhà trong 47 năm qua khiến hai bên có quá nhiều thứ để ràng buộc, từ thuế quan, tiêu chuẩn hàng hóa cho tới khả năng tuyển dụng lao động nước ngoài của Anh cũng như việc EU được tiếp cận các ngư trường của nước này. Đây là cả một chương trình nghị sự khổng lồ mà Anh và EU cần phải đạt được sự nhất trí thông qua đàm phán. Nhà nghiên cứu cấp cao Jill Rutter, thuộc tổ chức “Nước Anh trong một châu Âu đang thay đổi”, đánh giá: “Danh sách này là vô tận. Điều này là chưa từng có tiền lệ”.

Sau thời điểm Anh chính thức ra đi, hai bên đã nhất trí được một giai đoạn chuyển tiếp, theo đó Anh vẫn duy trì và tuân thủ các quy định cũng như điều luật hiện nay của khối cho tới ngày 31-12. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Anh chỉ có 11 tháng để đàm phán nhằm đi tới một thỏa thuận thương mại toàn diện có ý nghĩa quyết định đối với triển vọng về các hoạt động kinh doanh của Anh trong những thập kỷ sắp tới. Đây là khoảng thời gian được cho là chặt chẽ khác thường, quá ngắn ngủi để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại phức tạp và đồ sộ giữa hai bên. Đặc biệt, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định sẽ không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp này, khiến nguy cơ mục tiêu đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2020 gặp thất bại.

 Người dân Anh vẫy cờ và tập trung đông ở thủ đô London vào ngày nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters.

Người dân Anh vẫy cờ và tập trung đông ở thủ đô London vào ngày nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters.

Kế hoạch đạt mục tiêu ngay trong năm 2020 được cho là quá gấp rút, vì luật Brussels không cho phép tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về thỏa thuận thương mại mới cho đến khi 27 nước thành viên còn lại của EU nhất trí về một sự ủy nhiệm đàm phán chung. Tiến trình này có thể mất vài tuần, có nghĩa là các cuộc đàm phán chính thức sẽ không bắt đầu cho tới sớm nhất là tháng 3.

Trong viễn cảnh không mấy triển vọng đó, nhiều báo chí của Anh cho rằng “chính phủ hiện đã sẵn sàng cho một cuộc chiến đầy đau đớn”. Với Anh, thật không dễ dàng khi làm sao đàm phán với một đối tác thương mại lớn như EU để đạt được một thỏa thuận mà không bị thua thiệt. Năm 2016, EU chiếm tới 54% hàng hóa nhập khẩu của Anh và 43% hàng hóa xuất khẩu của nước này. Nhất là khi EU đã tuyên bố rõ lập trường, cái giá để Anh được tiếp cận thị trường chung châu Âu hậu Brexit là tiếp tục tuân thủ các quy định của khối về lao động, thuế quan và môi trường. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định một khi Anh càng xa rời những tiêu chuẩn châu Âu thời hậu Brexit thì cơ hội tiếp cận thị trường chung sẽ càng ít đi.

Trong khi chưa biết Chính phủ Anh sẽ có các biện pháp như thế nào để giành lợi thế đàm phán, các tổ chức của ngành công nghiệp Anh đã sẵn sàng để bảo vệ những lợi ích của mình. Các chủ khách sạn và nhà hàng tuyên bố họ cần duy trì nguồn cung cấp lao động đến từ châu Âu để bảo đảm phòng ốc khách sạn luôn sạch sẽ và bữa tối được chuẩn bị sẵn sàng. Còn các công ty sản xuất ô tô muốn các nhà cung cấp của châu Âu duy trì nguồn cung cấp đúng hạn để tránh hoạt động sản xuất bị đình trệ. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm và ngân hàng đang vận động hành lang để duy trì quyền được tiếp cận thị trường châu Âu đầy triển vọng sinh lời. Và ngư dân Anh thì muốn giành lại quyền kiểm soát các ngư trường mà họ cho rằng đã bị các đối thủ từ châu Âu chiếm đoạt trong suốt 4 thập kỷ qua.

Trước nguy cơ đàm phán khó khăn với EU, Anh cũng bày tỏ mong muốn đàm phán các thỏa thuận thương mại riêng biệt với từng quốc gia riêng lẻ sau khi Anh rời EU. Trong đó, mục tiêu lớn nhất của Thủ tướng Anh ngoài EU chính là đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Nhưng mục tiêu này không dễ thực hiện bởi Mỹ cũng đề ra những điều kiện khó nhằn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo về những quan ngại an ninh liên quan tới công ty viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, đồng thời thúc ép các quan chức Anh đảo ngược quyết định của họ về việc cho phép công ty này tham gia vào việc nâng cấp mạng lưới không dây của Anh.

Nếu không giải quyết được ổn thỏa mối quan hệ thương mại với đối tác thương mại lớn nhất là EU, không ai ngoài Chính phủ Anh sẽ phải gánh chịu hậu quả vì đã không thể biến lời hứa về những ích lợi của Brexit sẽ đưa lại cho nước Anh thành hiện thực. Và khi đó, “một thời điểm đổi mới và thay đổi thực sự của đất nước” như lời tuyên bố của Thủ tướng Boris Johnson vào thời điểm nước Anh chính thức chia tay EU, sẽ không biết đổi mới và thay đổi theo xu hướng như thế nào. Một tương lai bất định hậu Brexit đối với nước Anh vẫn còn ở phía trước.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dau-hoi-cho-loi-hua-brexit-609210