'Dấu hỏi lớn' về tài chính từ việc liên doanh, liên kết và cho thuê đất

Được phép thực hiện thí điểm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất nhằm tăng nguồn thu tiến tới tự chủ tài chính từ năm 2012, vậy nhưng, nguồn thu từ hàng trăm hợp đồng liên doanh, liên kết và cho thuê đất ngắn hạn từ năm 2012 đến nay lại đang khiến cho Khu Liên hiệp thể thao quốc gia đứng trước nguy cơ nợ rất 'khủng' tiền thuế đất.

Như Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã thông tin trong bài trước “Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình: Chỉ đạo thu hồi mặt bằng kinh doanh vẫn khó triển khai?”, việc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình sử dụng đất trong quy hoạch dành cho thể thao để cho các đơn vị, cá nhân thuê mặt bằng kinh doanh trong nhiều năm khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Theo thống kê từ năm 2012, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với một số đơn vị với thời hạn từ 10 – 15 năm và 430 hợp đồng cho thuê đất ngắn hạn (từ 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm). Số tiền mà Khu Liên hiệp thu về từ việc liên doanh liên kết này phải là rất lớn.

Quán bia trong Khu Liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Điều lạ là, dù thu được số tiền lớn từ việc liên doanh liên kết, cho thuê đất nhưng theo báo cáo của đơn vị này thì hiện số thu chi chưa phân phối chỉ là 1 tỷ 579 triệu đồng và không có khả năng đóng hơn 314 tỷ đồng nếu bị cơ quan thuế truy thu. Trước đó, Khu Liên hiệp vẫn đang còn nợ hơn 69 tỷ đồng tiền thuê đất.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Vậy tiền cho thuê mặt bằng mà Khu liên hiệp thể thao quốc gia thu được đã được chi vào những mục nào?

Lật lại hồ sơ, được biết vào năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 149/QĐ-TTg về các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Theo đó, Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là 1 trong 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao. Đến năm 2011, Khu Liên hợp đã có công văn đề nghị cho phép được trực thuộc Bộ VH-TT&DL.

Năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã có quyết định cho phép Khu Liên hợp thể thao quốc gia được thực hiện thí điểm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để khai thác, cơ sở vật chất, quỹ đất nhằm tăng nguồn thu. Và đến năm 2012, Khu Liên hiệp chính thức được tự chủ về tài chính.

Ngay khán đài D của sân vận động, một đơn vị được cho thuê mặt bằng để buôn bán ô tô cũ

Nhưng ngày 29/11/2017, Bộ Tài chính đã có văn bản số 16182/BTC-QLCS về việc thu tiền thuê đất đối với Khu liên hiệp thể thao Quốc gia. Văn bản nêu, trước thời điểm ngày 1/7/2014, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất; trường hợp sử dụng tài sản trên đất để liên doanh, liên kết thì phải nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích đất được sử dụng liên doanh, liên kết.

Từ ngày 1/7/2014, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia là đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên nên phải chuyển sang hình thức thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích sự nghiệp.

Ngay sau đó, Khu Liên hiệp đã có báo cáo đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất với số tiền dự kiến lên vài trăm tỷ đồng. Tại báo cáo, Khu Liên hợp đã tự tính tổng số tiền thuê đất có thể bị truy thu tính đến hết năm 2017 là khoảng 314,714 tỷ đồng (từ năm 2012 đến 2017, mỗi năm gần 52,5 tỷ đồng). Đồng thời xin miễn giảm khoản truy thu này.

Hàng trăm hợp đồng liên doanh, liên kết và cho thuê mặt bằng nhưng Khu Liên hiệp thể thao quốc gia đang đứng trước nguy cơ "vỡ nợ" (?!)

Về phía cơ quan thuế, trên cơ sở các quy định của nhiều cơ quan chức năng từ năm 2015 đến năm 2018, Chi cục Thuế Nam Từ Liêm mới ra thông báo tạm thu 43 tỷ đồng đối với 5 điểm thuê đất dài hạn tại Khu liên hợp, đơn vị đã nộp 15,8 tỷ và còn nợ 27,2 tỷ đồng.

Với phần ngắn hạn (18 điểm đất của 3 khu ngắn hạn), Chi cục thuế đã thông báo thu của năm 2017 theo số tạm tính của Sở TN&MT Hà Nội là 45,4 tỷ, còn lại chưa truy thu từ 2016 về trước. Vậy nhưng Khu Liên hợp vẫn chưa nộp khoản tiền này.

Như vậy, tính đến ngày 31/8/2018, tổng nợ lũy kế của Khu Liên hợp là 69 tỷ (không bao gồm hơn 3 tỷ tiền thuê đất dài hạn kỳ 2 năm 2018 do chưa hết hạn nộp).

Một góc sân trong Khu Liên hợp thường có hàng chục chiếc xe ô tô được ghi là xe đưa đón học sinh đỗ thành hàng

Trước đó, Khu liên hiệp cũng đã từng có văn bản số 373 ngày 3/4/2018 gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc xin không thu tiền thuê đất đối với các hợp đồng thuê mặt bằng ngắn hạn. Đồng thời thu hồi lại thông báo số 2783 ngày 14/3/2018 của Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm.

Hiện những tồn tại, vướng mắc trong vấn đề liên doanh, liên kết mà người tiền nhiệm để lại, đang được Phó Giám đốc phụ trách hành chính Nguyễn Việt Tiến thời điểm đó – nay là Phó Giám đốc phụ trách Khu liên hiệp xử lý.

Phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã liên hệ và đem giấy giới thiệu đề nghị làm việc với Khu Liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình nhưng vẫn không nhận được bất kỳ hồi âm nào, dù đã hơn một tuần trôi qua.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Bùi Tuấn - Nguyễn Tuấn

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/dau-hoi-lon-ve-tai-chinh-tu-viec-lien-doanh-lien-ket-va-cho-thue-dat-14728