Dấu hỏi về việc truy cứu trách nhiệm CSGT An Lạc

Y như rằng, hễ báo chí cất công thu thập thông tin là có ngay bằng chứng CSGT tiêu cực.

Loạt bài điều tra ““Làm luật” cho xe tải đi vào giờ cấm ở TP.HCM” (Pháp Luật TP.HCM đăng từ ngày 13-5 đến 18-5) cho thấy thay vì nghiêm túc làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự giao thông thì CSGT đã câu kết với “cò” để làm ngược lại.

Lần này, sai phạm diễn ra trên tuyến đường huyết mạch Võ Văn Kiệt là trục đường chính theo hướng Đông Tây của TP.HCM, nơi có rất nhiều xe trung chuyển hàng hóa vào nội thành và đi các tỉnh. Tại đây, cấm xe tải 2,5 tấn từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ hằng ngày; cấm xe tải trên 2,5 tấn từ 6 giờ đến 22 giờ.

Ấy thế, vì muốn vô hiệu hóa lệnh cấm trên để phía nhà xe được lợi (như có thể giao hàng gấp…), các xe đã thông qua “cò”, thậm chí là đến thẳng chốt trao đổi về việc chung chi theo lượt hay theo tháng để được lưu thông trái luật. Về phần mình, lý ra chốt chặn kỹ lưỡng, lập biên bản vi phạm để xử phạt theo quy định (trong đó có việc giam bằng lái xe đến ba tháng) thì các CSGT đã dễ dãi để những đồng tiền cống nộp bịt mắt, trói tay…

Hậu quả là hàng loạt xe có trọng tải lớn vẫn thản nhiên chạy qua chốt CSGT bất kể giờ giấc. Kéo theo đó là pháp luật về giao thông bị chính lực lượng chấp pháp bẻ cong ngay thanh thiên bạch nhật. Kéo theo nữa là hình ảnh CSGT càng bị méo mó, bị khinh thường - không phải chỉ ở Đội CSGT An Lạc (đơn vị phụ trách địa bàn) mà còn của cả lực lượng do các kiểu “làm luật” tương tự vẫn xảy ra nào giờ.

Vậy các CSGT vi phạm sẽ phải bị xử lý như thế nào để các CSGT khác lấy đó làm bài học tu thân và để người dân lấy lại được sự tin tưởng về phẩm chất thực thi công vụ của đội ngũ này?

Với Pháp Luật TP.HCM, các cơ quan công an đã có những phản hồi tích cực. Ngày 17-5, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã đến báo để nắm thông tin về loạt bài và các tài liệu, chứng cứ liên quan để làm việc với Công an TP.HCM.

Trưa cùng ngày, một đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM (PC08) cho biết ngay khi có bài đầu tiên trong loạt bài trên, PC08 đã yêu cầu Đội CSGT An Lạc cấp báo. Đồng thời, phòng đã báo cáo vụ việc cho Công an TP.HCM. Ban giám đốc Công an TP.HCM cũng đã chỉ đạo thanh tra phối hợp với PC08 xác minh, xử lý.

Có điều này rất cần được các cơ quan trên lưu ý ngay để việc xử lý các cá nhân sai phạm không làm cho cộng đồng có thêm bất bình. Trong việc CSGT nhận nhiều bạc “xị”, bạc “chai” để bỏ qua các hành vi gây hại cho sự an toàn giao thông, nếu ngoài đời cho là “mãi lộ”, “ăn tiền”… thì xét về pháp lý các hành vi đó có dấu hiệu phạm tội hình sự.

Cụ thể, theo quy định của BLHS hiện hành, tội nhận hối lộ được áp dụng cho người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây (như từ 2 triệu đồng trở lên…) cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Vậy với kết quả điều tra tới đây về việc giao nhận tiền của để các xe được chạy vào giờ cấm trong một thời gian dài liên quan đến ba hành vi là đưa hối lộ (của các nhà xe), môi giới hối lộ (của các “cò”), nhận hối lộ (của các CSGT), sẽ phải có ai đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự để đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của chuỗi hành vi sai phạm?

Còn nhớ trong vụ Cảnh sát trật tự - cơ động của Công an quận Bình Thạnh hợp tác với “cò” để hù dọa, ép buộc những người vi phạm lót tay càng nhiều càng tốt để được bỏ qua lỗi chạy xe máy vào đường cấm cạnh chợ Bà Chiểu (Pháp Luật TP.HCM đã bỏ công phanh phui vào tháng 9-2018), việc xử lý các vị công an sai quấy đang là ẩn số.

Trong thông báo gửi đến Pháp Luật TP.HCM vào cuối năm, Thanh tra Công an TP.HCM cho biết: Có ba cán bộ, chiến sĩ sai phạm; giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý theo quy định của ngành; trưởng Công an quận Bình Thạnh được giao nhiệm vụ củng cố hồ sơ xử lý. Chỉ thế thôi!

Và đến giờ hình thức chế tài nào đã được áp dụng, có đúng mức không, có xem xét cả trách nhiệm pháp lý khác để có sự răn đe mạnh mẽ hơn… lãnh đạo Công an TP.HCM và Công an quận Bình Thạnh đều chưa công khai với báo chí và dư luận.

Hãy tiếp tục chờ câu trả lời thỏa đáng dành cho tất cả vi phạm mới lẫn cũ để không còn tình trạng những người đứng đầu ngành CSGT vẫn luôn miệng “sẽ xử lý nghiêm” nhưng rồi vi phạm vẫn công khai tái diễn. Như thể người ra sức xây (Quốc hội, Chính phủ đang khẩn trương xem xét ban hành đủ quy định để trị cho được mọi vi phạm về giao thông, hiện “nóng” là hành vi lái xe khi có uống rượu bia…) thì lại có người thi nhau phá!

THU TÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/dau-hoi-ve-viec-truy-cuu-trach-nhiem-csgt-an-lac-834780.html