Đâu là chuẩn an toàn cho xe đưa đón học sinh?

Xe đưa đón học sinh Trường Tiểu học Lý Nam Đế (quận Nam Từ Liêm) va chạm với tàu hỏa mới đây làm ít nhất 6 em bị thương. Một số chuyên gia cho rằng, điều cấp bách hiện nay là cần siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng xe đưa đón.

Khu giao cắt đường tàu và đường dân sinh - nơi xảy va chạm giao thông với xe đưa đón học sinh Trường Tiểu học Lý Nam Đế chưa có barie

Khu giao cắt đường tàu và đường dân sinh - nơi xảy va chạm giao thông với xe đưa đón học sinh Trường Tiểu học Lý Nam Đế chưa có barie

Ẩn họa từ đường ngang dân sinh

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn ở cơ sở giáo dục. Nhẹ thì xây xát, nặng thì gây hậu quả nghiêm trọng khiến học sinh tử vong.

Mới đây, khoảng 16 giờ ngày 29/9 tại đường Do Nha thuộc tổ dân phố số 3 Miêu Nha (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xe ô tô biển kiểm sát 29B 17051 do tài xế Nguyễn Hà Định (SN 1978) điều khiển chở 48 học sinh Trường Tiểu học Lý Nam Đế đã va chạm với tàu chở hàng.

Vụ va chạm khiến ít nhất 6 học sinh bị thương. Trong đó có 4 học sinh bị trầy xước nhẹ ở chân tay, 2 học sinh bị thương ở vùng đầu đã ngay lập tức được đưa đến kiểm tra tại Bệnh viện 103.

Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 1/10, bà Ngô Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Nam Đế cho biết, trong 6 em bị thương được kiểm tra chỉ bị thương phần mềm và được ra viện ngay trong tối 29/9. “Rất may mắn là các cháu đều an toàn. Sức khỏe 6 học sinh ổn định và đã được các bác sĩ cho về nhà lúc 18 giờ cùng ngày (29/9). 42 học sinh còn lại không ai bị thương cũng đã được các bậc phụ huynh đón về nhà lúc 17 giờ...”, bà Thúy nói.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Nam Đế cũng cho biết, đến nay các cháu đi học bình thường với sức khỏe và tâm lý ổn định. “Ngay sau khi xảy ra sự việc lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, Phòng GD&ĐT, phường Tây Mỗ, các bí thư chi bộ, tổ dân phố cùng thầy cô giáo nhà trường đã đến thăm hỏi sức khỏe, động viên 48 học sinh của lớp 4A2. Đồng thời, nắm bắt tình hình để phụ huynh yên tâm và tiếp tục theo dõi sức khỏe các em học sinh...”, bà Thúy thông tin.

Về nguyên nhân vụ va chạm giao thông, theo bà Thúy, có thể do đoạn giao cắt với đường tàu không rào chắn, thiếu cảnh báo và đèn tín hiệu.

“Lối vào Trường Tiểu học Lý Nam Đế giao cắt với đường tàu. Đây là đường dân sinh từ lâu nhưng không có đèn tín hiệu. Cùng với công tác tuyên truyền an toàn giao thông, nhà trường mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu lắp đặt barie (rào chắn - PV) để hạn chế tai nạn mỗi khi có tàu hỏa đi qua...”, bà Thúy đề xuất.

Liên quan đến sự việc trên ông Trần Duy Hải - Bí thư Đảng ủy phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, rất may các cháu học sinh đều an toàn. Phường đã nhiều lần kiến nghị lắp đặt barie tại nút giao nơi có vụ va chạm giao thông.

“Phường tiếp tục kiến nghị về việc lắp đặt barie. Con đường này không phải là dân sinh tự phát mà có từ lâu đời (đường tàu mới có từ năm 1984). Trong khi chưa có barie, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền nhân dân đi lại chú ý tránh tai nạn giao thông khi có tàu hỏa đi qua...”, ông Hải nói.

Về nguyên nhân, ông Hải cho rằng, có thể do lái xe chưa thạo đường. “Lái xe chưa thuộc đường hoặc thiếu quan sát...”, ông Hải bày tỏ.

Trường Tiểu học Lý Nam Đế (quận Nam Từ Liêm)

Chuyên gia hiến kế

Trao đổi với Báo GD&TĐ về bảo đảm an toàn học đường, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, môi trường học đường an toàn hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đau lòng và đã có nhiều trường hợp học sinh tử vong, bị thương.

“Có thể nói, đây chính là một tiếng chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh...”, ông Lê Như Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho rằng, cần phải có một số giải pháp cụ thể để ngăn chặn sự mất an toàn trong học đường hiện nay. Các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các trường học trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh. Phải xây dựng các quy chuẩn về trường học an toàn, lớp học an toàn và các thiết bị trong trường phải an toàn.

“Phải xây dựng những quy trình, quy chuẩn, quy định cụ thể đó thì các trường học mới có cơ sở thực hiện”, ông Lê Như Tiến nói.

Nhà trường và thầy cô giáo nên có hướng dẫn cho các học sinh những kỹ năng sống để tự bảo vệ an toàn cho bản thân. “Bản thân các em học sinh là nhóm dễ bị tổn thương, khả năng tự bảo vệ kém đối với những mối nguy hiểm. Mỗi trường có thể thành lập đội xung kích do đoàn viên thanh niên đứng ra để thường xuyên nhắc nhở, bảo vệ các em học sinh trước các mối nguy hiểm đó...”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Còn luật sư Trương Anh Tú cho rằng, xe đưa đón học sinh cần có quy chế đặc biệt để giám sát. “Hành khách ở đây là trẻ em, học sinh. Nó khác với hành khách khác cho nên cần có quy định đặc biệt cho loại hình vận tải này…”, Luật sư Tú nói.

Theo luật sư Tú, quy chế đó để Sở GD&ĐT, Sở GTVT trực tiếp thường xuyên kiểm tra, thẩm định đánh giá. “Đơn vị nào được phép kinh doanh vận tải đối với việc đưa đón các em. Ngay cả đối với các đơn vị vận tải của nhà trường cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đó.

Cần có một mức quy chuẩn an toàn cao hơn quy chuẩn an toàn của giao thông vận tải hành khách. Tạo điều kiện cho vận tải này một màu sắc riêng để được ưu tiên khi tham gia giông thông… để các em có thêm an toàn…”, luật sư Tú bày tỏ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dau-la-chuan-an-toan-cho-xe-dua-don-hoc-sinh-z4NZKPKGR.html