Đâu là động lực cho cuộc không kích của Mỹ và đồng minh ở Syria?

Với cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ và liên quân đã tiến hành vụ không kích nhằm vào Syria ngày 14/4. Nhưng đây có phải là lý do thực sự?

Từ một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh Sarin xảy ra tại thị trấn Douma, Syria ngày 7/4, mà Mỹ cáo buộc là do quân Chính phủ tiến hành. Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công Syria cùng với hai đồng minh là Anh và Pháp mà không cần đợi kết quả điều tra, khiến dư luận quốc tế không khỏi nghi ngờ về động cơ của hành động quân sự này.

Chú thích ảnhTên lửa được phóng đi từ tàu chiến neo đậu ở Địa Trung Hải. Ảnh: AFP/Getty.

Từ “nghệ thuật tạo cớ”...

Hôm 7/4, hơn 70 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, nơi bị phe nổi dậy chiếm đóng thuộc vùng Đông Ghouta của Syria. Ccáo buộc chính quyền Assad đứng sau vụ tấn công này, Mỹ và Pháp đã bàn bạc với Anh về khả năng trả đũa quân sự chống lại chế độ Tổng thống Syria Assad.

Syria và Nga phủ nhận liên quan và cáo buộc các lực lượng nổi dậy tại Douma ngụy tạo vụ tấn công hóa học. Hãng thông tấn Nhà nước SANA (Syria) dẫn nguồn tin quân đội đã lên tiếng phủ nhận tấn công hóa học ở Douma: “Các tay súng khủng bố Jaysh Al-Islam đang trong tình trạng sụp đổ, và truyền thông của họ đang “bịa đặt” ra việc Quân đội Syria (SAA) thực hiện các cuộc tấn công hóa học, nhằm cản trở đà tiến bước của quân Chính phủ”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moscow có bằng chứng không thể chối cãi rằng vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria đã được dàn dựng với sự nhúng tay của cơ quan mật vụ của một quốc gia mà “hiện đang muốn đi tiên phong trong hàng loạt chiến dịch bài Nga”. Nga đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khởi động một cuộc điều tra kỹ lưỡng về cuộc tấn công vũ khí hóa học này.

Đây không phải lần đầu chính quyền Syria bị cáo buộc sử dụng chất độc hóa học. Năm 2013, chính phủ Syria bị cáo buộc đứng sau vụ rải chất độc thần kinh Sarin xuống vùng Đông Ghouta, làm hàng trăm người thiệt mạng. Năm 2017, Liên Hợp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học OPCW cáo buộc chính phủ Syria sử dụng chất độc Sarin trong cuộc không kích ngày 4/4 vào thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy kiểm soát, làm 83 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ sau đó phóng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Sharyrat của quân chính phủ Syria.

Ngày 23/1/2018, Mỹ cũng cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta và cho rằng “Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các nạn nhân ở Đông Ghouta và vô số những người Syria khác vốn từng là mục tiêu của vũ khí hóa học kể từ khi Nga tham gia vào cuộc chiến Syria”. Sự cáo buộc vô lý của Mỹ và phương Tây khiến Tổng thống Assad đã phải lên tiếng rằng: “Vấn đề vũ khí hóa học đã trở thành một trong những mục thuộc từ điển nói dối của phương Tây, đây chỉ đơn giản là hành vi tống tiền, là cái cớ để tiến hành không kích quân đội Syria”.

Đến thực hành không kích...

Ngày 14/4, liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đây là hành động đáp trả vụ việc mà Washington cáo buộc Tổng thống Syria Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Cuộc tấn công được thực hiện vài giờ trước khi OPCW đến Douma để xác định liệu một cuộc tấn công hóa học đã diễn ra ở đó hay không.

Ba mục tiêu được nhắm đến đó là: (1) Trung tâm nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus, được cho là nơi nghiên cứu, chế tạo vũ khí hóa học; (2) Kho chứa vũ khí hóa học, nằm ở phía Tây thành phố Homs; (3) Kho chứa vũ khí hóa học đồng thời là sở chỉ huy, cũng ở Homs.

Mỹ đã sử dụng tàu chiến của Hải quân đang hoạt động tại Biển Đỏ, cùng với các máy bay ném bom B-1. Không quân Hoàng gia Anh sử dụng 4 máy bay Tornado GR4. Pháp đã huy động các chiến đấu cơ Rafale và Mirage, cùng với sự tham gia của lực lượng hải quân Pháp tại Địa Trung Hải.

Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ “tấn công thành công mọi mục tiêu” bằng 105 tên lửa, “mỗi tên lửa cách nhau một đến hai phút”. Theo tướng Kenneth McKenzie, giám đốc ban tham mưu thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Syria “phản ứng vô cùng yếu ớt trên mọi phương diện”.

Tuy nhiên, phía Syria lại nói, các tên lửa nhằm vào Homs bị đánh chặn và không gây thiệt hại. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các đơn vị phòng không Syria đã đánh chặn được 71 tên lửa hành trình trong tổng số 103 quả tên lửa đã được phóng đi, trong đó có tất cả những quả tên lửa nhắm vào sân bay quân sự Dumayr, nằm ở Đông Bắc Damascus, đánh bại cuộc tấn công chung của liên quân 3 nước nhằm mục đích cản trở OPCW.

Và động cơ được ẩn giấu...

Tố cáo Damascus sử dụng vũ khí hóa học, cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc, không kích Syria, Mỹ và đồng minh phương Tây muốn thực hiện mưu đồ chính trị.

Theo giới phân tích, với lợi thế cả trên chiến trường và chính trường hiện nay, chính quyền Syria không dại gì thực hiện việc tấn công quân nổi dậy bằng vũ khí hóa học để rồi tự đưa mình vào tròng (kể cả trường hợp Damascus còn cất giấu vũ khí hóa học).

Việc Mỹ và đồng minh quyết theo đuổi “nước cờ vũ khí hóa học Syria” chỉ là nước cờ bí, khi các nước cờ khác không đạt hiệu quả. Với mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Assad, Mỹ và phương Tây chỉ còn duy nhất phương cách luật pháp hóa chính trị - sử dụng công cụ pháp lý để luận tội nhà lãnh đạo với chứng cứ là tội ác phạm phải khi quản lý và điều hành đất nước, trong điều khoản về “trách nhiệm bảo vệ” của Liên Hợp Quốc.

Chính vì vậy, cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường thời hậu IS là nhất cử lưỡng tiện, vừa triệt được Damascus, vừa ngăn được Moscow cứu nguy cho đồng minh. Hồ sơ “tội ác” của Assad sẽ ngày càng dày hơn, từ đó buộc Tổng thống Assad “phải ra đi” theo kịch bản của phương Tây.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là nước chi phối cục diện Trung Đông, nhưng đã bị Nga đảo ngược quyền lực sau hơn 2 năm bắt đầu chiến dịch quân sự chống IS. Nga đã thực sự vượt lên với tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn sau chiến thắng IS và kết nối đối thoại giữa các phe phái. Khi buộc tội Damascus và cáo buộc vai trò Moscow, Washington không chỉ muốn ngăn chặn Moscow, mà còn muốn thay thế vai trò của Moscow trên bàn cờ Trung Đông.

Mặt khác, một động lực thúc đẩy Mỹ và đồng minh tạo cớ và tấn công quân sự, đó là mảnh đất giàu có tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ đã trở thành “miếng bánh trên bàn tiệc” mà không một cường quốc nào muốn rơi vào tay đối thủ.

Được biết, dầu mỏ đã trở thành nguồn tài nguyên chính và cũng là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Syria. Năm 2018, sản lượng khai thác dầu hàng ngày dự tính đạt 70.000 thùng, 19 triệu mét khối khí đốt và năm 2019 là 219.000 thùng/ngày và 24,5 triệu mét khối/ngày.

Ngay trong cuộc chiến chống IS, Mỹ đã tấn công các nhóm vũ trang ủng hộ chính phủ vì lo lắng khi quân đội Syria đang ngày càng tiến gần đến Deir ez-Zor, một khu vực có trữ lượng dầu mỏ rất lớn mà Mỹ muốn kiểm soát. Điều này được Thống đốc tỉnh Deir Ezzor Mohammed al-Samra xác nhận: “Mục tiêu chính của cái gọi là liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu là giành quyền kiểm soát nền kinh tế Syria, mà trước hết là nguồn tài nguyên dầu mỏ, chứ họ không hề lo tiêu diệt nhóm khủng bố IS”.

Như vậy, ẩn giấu sau vỏ bọc “loại trừ khả năng chế tạo và sử dụng vũ khí hóa học”, Mỹ và phương Tây dường như muốn tiếp tục can dự sâu hơn nhằm hiện thực hóa các lợi ích của mình và chống lại nguy cơ bị đứng bên rìa trong các giải pháp về vấn đề Syria. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình thực sự cho người dân Syria xem ra vẫn còn nan giải và đòi hỏi phải có sự kiềm chế và nhượng bộ của tất cả các bên liên quan./.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN -

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dau-la-dong-luc-cho-cuoc-khong-kich-cua-my-va-dong-minh-o-syria-751700.vov