Dầu mỏ thế giới trong vòng xoáy nguy hiểm

Những ngày qua, quan hệ giữa Mỹ và Iran đang leo thang căng thẳng dữ dội. Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn bóp nghẹt nền kinh tế của Iran bằng cách ngăn chặn nguồn thu từ dầu mỏ của Tehran. Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại thị trường dầu mỏ thế giới có nguy cơ rơi vào cơn 'lốc xoáy' Mỹ - Iran.

Thị trường dầu mỏ hoảng loạn

Thị trường dầu thô thế giới hiện phụ thuộc vào thái độ của Tổng thống Trump đối với Iran, bởi cả Mỹ lẫn Iran đều dùng dầu mỏ như một vũ khí chiến lược để đối phó với nhau. Trước mắt, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, có hiệu lực vào tháng 11 tới sau thông báo của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5-2018, sẽ gây ra những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Iran. Đây cũng chính là yếu tố chủ chốt trong chiến lược chống Iran của Mỹ: Tìm cách bóp nghẹt nguồn thu chính từ dầu mỏ của Tehran.

Song song với đó, Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ trừng phạt "không nương tay" những nước tiếp tục mua dầu mỏ của Iran. Nhiều đồng minh của Mỹ đã cố gắng thuyết phục Washington miễn trừ trừng phạt nhưng không thành công. Theo báo Le Monde của Pháp, phía Iran cũng bắt đầu cho đặt lại tên tàu chở dầu, đổi cờ hiệu với hy vọng có thể qua mắt được Mỹ. Càng gần đến ngày lệnh trừng phạt có hiệu lực, thị trường dầu mỏ càng hoảng loạn. Nhiều nước lo ngại xảy ra tình trạng sụt giảm nguồn cung đột ngột. Hiện nay, Iran cung cấp cho thị trường thế giới mỗi ngày 2,4 triệu thùng. Con số này có thể sụt giảm nhanh chóng từ khoảng 800.000-1,2 triệu thùng.

Những đe dọa của Mỹ đang đặt ngành xuất khẩu dầu mỏ thế giới trước một thách thức lớn, bởi vì không chỉ có Iran, mà toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực, một phần lớn được trung chuyển ngoài khơi bờ biển Iran cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Eo biển địa chiến lược Hormuz sẽ là một vũ khí đáp trả lợi hại của Iran. Giáo chủ Ali Khamenei của Iran cảnh báo, “nếu xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị ngăn cấm, sẽ không một nước nào khác có thể xuất khẩu dầu mỏ”.

Với chiều rộng khoảng 40 km, eo biển Hormuz có một vị thế chiến lược quan trọng, là nơi trung chuyển của hơn 30% lượng dầu xuất khẩu thế giới. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển này, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo như báo động của Robert McNally trên kênh truyền hình CNBC. Đó là chưa kể Mỹ duy trì một hoạt động quân sự quan trọng tại đây, với sự hiện diện của hạm đội 5. Ngày 2-8, Iran đã bắt đầu một cuộc tập trận quy mô lớn tại eo biển Hormuz với sự tham gia của hơn 50 tàu chiến. Cuộc tập trận này kéo dài trong vài giờ đồng hồ, hướng đến chiến thuật tấn công với số đông, có khả năng phong tỏa tuyến đường thủy sống còn qua eo Hormuz nếu được triển khai trên thực tế. Có thể thấy, cuộc tập trận này là hành động của Iran nhằm phô diễn khả năng phong tỏa eo biển Hormuz.

Mặt khác, Iran còn có nhiều công cụ khác để "phản công" như để quân nổi dậy người Houthi tại Yemen tấn công một tàu chở dầu của Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ ở eo biển Bab Al-Mandab. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để Saudi Arabia hoảng sợ, thông báo tạm ngưng xuất khẩu dầu mỏ chờ tình hình yên ắng trở lại, gây ra nhiều hậu quả đáng kể cho thị trường cung ứng dầu mỏ thế giới.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran có nguy cơ làm giá dầu mỏ leo thang mạnh. Ảnh tư liệu

Mỹ sẽ ném bom Iran?

Trước đó, hôm 27-7, hãng truyền thông ABC của Australia trích dẫn một nguồn tin cao cấp thuộc chính quyền Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết Mỹ có khả năng sẽ ném bom tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran vào đầu tháng 8-2018 và Australia sẵn sàng hỗ trợ công tác xác định các mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull đã nhanh chóng lên tiếng phản bác thông tin này. Theo ông Turnbull, văn phòng Thủ tướng, văn phòng Ngoại trưởng, Bộ Quốc phòng Australia không có bất kỳ phát ngôn nào liên quan tới vấn đề này.

Nhận định về thông tin trên, Tiến sỹ Rodger Shanahan thuộc Học viện nghiên cứu Lowy của Australia cho rằng cần phải xác định các xuất phát điểm của câu chuyện nói trên. Theo tác giả, xuất phát điểm tốt nhất để nói đến vấn đề này nên được bắt đầu từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2007 và bản thuyết trình của Thượng nghị sĩ John McCain - ứng cử viên tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - về điệp khúc “đánh bom, đánh bom Iran” theo giai điệu bài hát “Barbara Ann” của nhóm nhạc Beach Boys. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có thể bắt đầu vào tháng 11-2012, khi có thông tin cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sẵn sàng “trong vài giờ” để tấn công Iran nhằm ngăn chặn quốc gia này thực hiện việc mua bán vũ khí hạt nhân. Cũng có thể là vào năm 2015, khi John Bolton, hiện giờ là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, đã viết một bài phân tích trên tạp chí New York Times với tựa đề “Để ngăn chặn Iran ném bom, hãy đánh bom Iran”.

Nói cách khác, việc đánh bom Iran đã từng được nhắc đến, được lên kế hoạch và bị đe dọa. Tuy nhiên, thực tế nó chưa bao giờ xảy ra. Có một vài lý do giải thích tại sao đây là là vấn đề quan trọng. Và nếu việc này chưa từng xảy ra trong quá khứ, nhiều khả năng nó sẽ khó xảy ra khi Tehran vẫn luôn tuân thủ một thỏa thuận hạt nhân quốc tế được gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), nơi mọi chính phủ, trừ Mỹ, vẫn cam kết công khai thực hiện.

Vì vậy, những cơ sở pháp lý cho việc ném bom các mục tiêu chưa được tiết lộ tại một quốc gia vẫn đang tuân thủ một thỏa thuận khá mong manh, đến nỗi chính quyền Trump khó có thể thực hiện được ý đồ ném bom của mình. Sẽ không phải là cực đoan khi cho rằng bất cứ quốc gia nào bị lôi kéo vào các kế hoạch của Mỹ (các quốc gia khác ngoài Israel) đều muốn tham gia đánh bom một quốc gia đang tuân thủ thỏa thuận mà họ phải rất khó khăn mới có thể đàm phán thành công.

Theo Tiến sỹ Shanahan, hãy cùng hy vọng rằng thông tin mà ABC đăng tải đơn thuần là chỉ là một phần của chiến dịch “khoa trương” mà chính quyền Trump đang áp dụng để chống Tehran, với những nỗ lực để đưa quốc gia này quay trở lại bàn đàm phán.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dau-mo-the-gioi-trong-vong-xoay-nguy-hiem-119832.html