Đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,2%

Thông tin trên được đại diện Bộ Tài chính cho biết tại Hội nghị tập huấn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập diễn ra sáng 11-11 tại Hà Nội.

Quang cảnh tại buổi tập huấn.

Ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, về việc thực hiện chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến thời điểm 31-12-2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong các bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị, giảm 7.306 đơn vị, tương ứng giảm 13,2% so với năm 2015; trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương giảm 8,5%, thuộc địa phương giảm 13,3%.

Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế viên chức) năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 11,67% so với năm 2015, vượt mục tiêu giảm 10% theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, trong tổng số 48.055 đơn vị sự nghiệp, có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên, tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương, chưa đạt mục tiêu theo là đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính; 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 18,7%), nhưng mức độ tự bảo đảm một phần còn thấp; 35.687 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 74,7%).

Làm rõ những nội dung đổi mới của Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập so với trước đây, ông Nguyễn Trường Giang cho hay, Nghị định đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017; tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính; đồng thời, quy định theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính...

Điểm mới đáng chú ý thứ nhất, cơ chế tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp công được khuyến khích theo hướng tiếp cận với doanh nghiệp nhà nước nếu các đơn vị tự chủ càng cao, tự chủ chi đầu tư chi thường xuyên sẽ được hưởng tương đương như với doanh nghiệp. Tinh thần đều khuyến khích các đơn vị sử dụng nguồn tăng thu, giảm chi, tiết kiệm chi để tăng bổ sung thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, quy định tách bạch rõ giữa nhiệm vụ đơn vị sự nghiệp công trong việc cung cấp dịch vụ công và phục vụ nhà nước với việc cung cấp dịch vụ theo yêu cầu xã hội.

Thứ ba, quy định rõ cơ sở pháp lý sử dụng tài sản công trong liên doanh liên kết.

Thứ tư, tạo điều kiện hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công giao quyền tự chủ gắn khả năng tự chủ của đơn vị. Đơn vị tự chủ càng cao về tài chính, nguồn thu, tiết kiệm chi càng được giao nhiều quyền tự chủ hơn.

Thứ năm, Nghị định quy định rõ về cơ chế giá cung cấp dịch vụ. Trước đây, với đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thường giá cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí dẫn đến thực tế các đơn vị sự nghiệp công không bù đắp đủ chi phí cần thiết. Tuy vậy, trong Nghị quyết số 19/NQ-TW quy định rõ sau năm 2021, tiến tới tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý, chi phí khấu hao trong giá dịch vụ công đối với cả lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, đây là đổi mới rất cơ bản. Nếu thực hiện lộ trình này tất cả đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cả giáo dục, y tế, đều có nguồn thu bù đắp được chi phí cần thiết. Tuy vậy, lộ trình này hiện đang bị chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/1047160/dau-moi-don-vi-su-nghiep-cong-lap-giam-132