Đầu năm đi chùa, hành lễ sao cho đúng?

Đi chùa lễ Phật đầu năm đã trở thành truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những biểu hiện phản cảm...

Lễ chùa đầu năm đã trở thành truyền thống của người Việt - Ảnh: Tạ Tôn

Lễ chùa đầu năm đã trở thành truyền thống của người Việt - Ảnh: Tạ Tôn

Chỉn chu từ bước chân, nhịp thở

Người Việt không phải là dân tộc theo tôn giáo một cách duy nhất và thuần túy như tín đồ Thiên chúa giáo hay Hồi giáo. Do đó, trong dòng người đông đúc lễ chùa đầu năm thường không mấy ai thực hành đầy đủ những nền nếp của tôn giáo. Hơn thế, sự kết hợp giữa tín ngưỡng của nhiều loại đạo từ Nho, Lão tới Phật giáo và tín ngưỡng bản địa đã khiến cách hành lễ bị xáo trộn đi nhiều.

Cảnh xô bồ chen lấn nơi cổng chùa cho thấy nhiều người quên hoặc không hay quy tắc đầu tiên khi đặt chân tới đất Phật: Không đi cổng giữa. Bước qua tam quan chùa, Phật tử nên đi vào cửa bên phải (Giả quan) và ra bằng cửa bên trái (Không quan). Cổng lớn giữa (Trung Quan) vốn được quan niệm chỉ dành cho các bậc cao tăng, vua chúa thời xưa. Với mỗi vị Phật, thần đều có quy tắc vái lạy riêng. Ví dụ, đứng trước Tam Bảo phổ biến là hành lễ 3 lạy, mỗi lạy hướng về một phương trong Trời - Phật - Gia tiên tiền tổ. Với các ban thờ Phật như Tam bảo/ Quán Thế Âm Bồ Tát/ Đại Thế Chí Bồ Tát/ Phổ Hiền Bồ Tát/ Địa Tạng Vương Bồ Tát, cần tránh dâng lễ mặn, chỉ nên thắp hương và dâng các thức gồm Hoa - Đăng - Trà - Quả - Thực. Ngược lại, ở những ban thờ Thần như Ban Đức Ông (nguyên là một vị Vua), Ban Trần Triều thì có thể dâng lễ mặn và tiền bạc.

Tuy nhiên, theo nhà báo - Phật tử Hoàng Anh Sướng - trên hết mọi cử chỉ hành động phải đặt yếu tố chánh niệm lên hàng đầu. Bước chân lên chùa của mỗi Phật tử phải là những bước đi khoan thai, an lạc - như cách Đức Phật bước trên tòa sen ngay từ khi chào đời. Người đi lễ cần giữ hơi thở nhẹ nhàng, thư thái. Lời nói cần nên là những ái ngữ, lời hay ý đẹp. Phục trang nghiêm túc. “Tôi đã chứng kiến những cô gái ăn mặc hở hang, phảm cảm lên chùa, hay những người vừa miệng khấn vái Phật mà bị dẫm vào chân một cái đã quay ra chửi bới đánh nhau. Những hành động như vậy, dù cầu nguyện thế nào cũng không tới tai Phật và ngài cũng không bao giờ chứng cho”, ông Sướng chia sẻ.

Cầu đúng và cầu đủ

Chùa là nơi đến hàm chứa giáo lý của nhà Phật. Do vậy, mỗi chuyến đi lễ có thể xem như một lần hòa mình vào không gian giáo lý, tìm kiếm sự thanh thản tốt đẹp trong tâm hồn.

Cầu tài lộc đã trở thành mục đích chính của đa số người lên chùa. Bản chất của việc này không xấu. Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng nhận định: “Đây là một nét riêng trong văn hóa Việt Nam. Việc cầu tài, xin lộc vốn không xấu, mà là ước vọng tự nhiên của người lao động, vấn đề là mức độ và liều lượng”. Mức độ và liều lượng ở đây chính và việc cầu tài lộc trước ai và như thế nào. Ví dụ, khi quỳ trước Tam Bảo - tức quỳ trước Phật thì không thể xin công danh tài lộc, tình duyên; chỉ nên cầu thân tâm khỏe mạnh, tinh tấn, an lạc, phát nguyện được sống trong Chánh Niệm của nhà Phật.

Đức Phật xuất thân là một vị thái tử, nhưng ngài đã rời khỏi những nhung lụa trần tục để tìm đến sự giác ngộ. Một người đã buông bỏ tất cả công danh, tài lộc rồi thì không thể còn gì để mà ban cho người khác. Và trên thực tế, nếu Đức Phật thật có thể ban phát chỉ bằng việc cầu xin, dâng cúng lễ vật thì hẳn Việt Nam đã trở thành cường quốc, đất nước hạnh phúc nhất thế giới từ lâu.

Thân tâm hợp nhất

Quan trọng hơn cả là sự hài hòa giữa thân và tâm. Theo ông Hoàng Anh Sướng: “Chúng ta, những người lao động bình thường luôn ngày ngày phải lo nghĩ từ thứ nọ tới thứ kia nên tâm và thân không đồng nhất. Có khi lên chùa rồi, thân ở đó nhưng cái tâm lại đang ở một nơi khác. Do đó, trước hết là khi đi lễ, tâm và thân phải chú vào cùng một nơi”. Thậm chí, có những trường hợp đổ tiền vào cúng bái xây cất chùa, nhưng cái tâm lại mưu cầu những chuyện bất chính. Từ sự thân tâm bất nhất này dẫn tới mối nhân quả về sau, có thể tới mức “danh trên bia đá, thân ở trong tù”.

Ông Hoàng Anh Sướng cho rằng: Khi tâm và thân đã hòa làm một, con người có thể tự mình tu tập. Nếu hàng ngày làm việc tốt cho gia đình, xã hội thì tâm mình sẽ có chùa, có phật chứ không phải lặn lội thực hành những chuyến đi hành xác, chen chúc đầy khổ ải lên chùa. Tất cả là ở tự thân: May mắn, hạnh phúc, sung sướng, khó khăn tất cả là do nhân quả do chính ta chứ không phải do một ai khác.

Nhật Minh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dau-nam-di-chua-hanh-le-sao-cho-dung-d245295.html