Đầu năm mua muối

Theo quan niệm của người xưa, vị đậm đà của muối đem lại may mắn cho gia đình. Bởi vậy, dân gian từ lâu đã truyền nhau việc mua muối đầu năm với mong muốn một năm mới an lành, hạnh phúc.

Tôi nhớ những sáng đầu năm mới của thời đã xa, mẹ tôi đang cặm cụi dưới bếp chuẩn bị mâm cúng gia tiên, mùi đồ ăn thơm phưng phức trong gió xuân phơi phới, ngoài đầu ngõ đã có có tiếng rao “ai mua muối ra mua nào?”.

Mẹ tôi trên tay cầm năm ngàn đồng, hân hoan đi ra ngoài ngõ. Cô bán muối cười tươi như hoa, múc bát muối đầy để bán cho mẹ và không quên chúc gia chủ những câu nói ý nghĩa và tốt đẹp nhất. Mẹ cầm phong bao lì xì mừng tuổi cho cô bán muối.

Ngày xưa ở quê tôi, những người đi bán muối chính là những diêm dân lam lũ. Muối để mang đi bán đầu năm được lựa chọn kỹ lưỡng chọn những đợt muối ngon, tinh, được nắng để dành lại. Người bán không kỹ lưỡng như bây giờ khi cho vào túi bóng, bao lì xì. Thời ấy, ai có nhu cầu thì mang đồ ra đựng muối hoặc cô bán muối sẽ gói vào lá chuối, lá khoai hay lá dong…

Mẹ tôi mỗi năm già thêm một tuổi, lưng còng, chân chậm, những người bán muối cũng thế, mỗi năm lại hằn lên vài vết chân chim trên khuôn mặt. Nhưng cứ mỗi dịp đầu năm, người bán muối trên chiếc xe đạp Thống Nhất đã cũ mềm và sờn theo năm tháng, sau là chiếc thúng đựng đầy muối trắng ngần, vẫn nụ cười ấy đến đầu ngõ. Nghe tiếng “ai muối đây”, tôi nhanh chân thay mẹ ra mua muối.

Trên khuôn mặt rạng rỡ của cô đã in dấu vết của thời gian. Thấy tôi đi ra niềm nở đọc vài câu thơ chúc tết, cô không quên gửi lời chúc tết đến mẹ tôi - người mua muối hàng năm của cô. Tôi mỉm cười vui vẻ đón nhận và không quên gửi lời chúc tốt đẹp đến người đàn bà vùng biển với làn da mặn mòi. Bóng cô đi khuất khỏi con ngõ hẻm, nhưng tiếng rao vẫn vang vọng trong sáng mùa xuân phơi phới niềm vui và những ước vọng lớn lao.

Hạt muối là sự kết tinh từ đại dương bao la, từ nắng và gió. Những diêm dân như con ong cần mẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên những đồng ruộng bỏng rát để mưu sinh, chắt chiu từng hạt mặn cho đời. Buổi sáng những ngày tết, những hạt muối ấy mang đến trong lòng người một ước vọng lớn lao.

Muối là khoáng chất thiết yếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, giúp quá trình sinh hóa trong cơ thể con người tiêu thụ được các loại năng lượng cần thiết để duy trì sức khỏe. Trong phong thủy, muối giữ vị trí quan trọng để trừ tà, xua đi ma quỷ, mang lại may mắn. Nhưng ngoài ý nghĩa ấy, theo quan niệm dân gian, muối còn có ý nghĩa là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng và no đủ, tình cảm ấm áp trong các mối quan hệ trong gia đình.

Muối là gia vị chẳng thể thiếu trong những bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Chúng ta sống sao thiếu được sự mặn mòi, đậm đà của hạt muối qua từng tô canh, qua từng món ăn tưởng chừng như dung dị. Có chút mặn chát của muối trong quả cà nén, từng cọng dưa chua… như sống ở đời đi qua nhiều năm tháng, chúng ta mới cảm nhận hết được những khắc khoải lo âu trước sự mặn - nhạt, đắng - cay, ấm - lạnh của tình đời, tình người.

Việc sử dụng muối sao cho hợp lý chẳng khác nào cách mỗi người phụ nữ đang gìn giữ mái ấm gia đình của mình. Mặn quá hay nhạt quá thì món ăn đều giảm đi giá trị của nó, vừa đủ - chính là nghệ thuật đỉnh cao của các bà nội trợ.

Vị mặn của muối thể hiện khát vọng, ước muốn cho những mối quan hệ giữa cha, mẹ - con cái, chồng - vợ, mẹ chồng - nàng dâu mặn mà, đậm đà, thủy chung trong lối sống hàng ngày.

Mua muối như để nhắc nhở con rằng: “Cá không ăn muối cá ươn/Con cưỡng cha mẹ, trăm đường con hư”; mua muối để nhắc vợ chồng về tình nghĩa tào khang: “Ta nâng chén muối, đĩa gừng/Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau”; hay nhắc nhở bao người về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu: ‘Muối đổ lòng ai nấy xót”.

Tôi rời chốn đồng quê chiêm trũng mênh mang vào miền Nam lập nghiệp. Năm đầu tiên ở thành phố lớn, đêm giao thừa, nằm trên gác trọ, tôi nghe tiếng leng keng, đằng sau đó tiếng rao đầu xuân: “Ai mua muối không...?” vang vọng. Tôi giật mình cảm giác xao xuyến nhớ quê hương da diết. Tôi chạy vội từ gác xuống gọi với cô hàng bán muối. Nụ cười của cô hiền từ như người đàn bà chốn quê nhà.

Nhưng người đàn bà ấy khuôn mặt khắc khổ hơn nhiều so với cô bán muối ngày xưa. Hỏi dăm ba câu chuyện mới biết, cô ráng bán thêm muối dịp đầu năm rồi nay mai sẽ bắt xe trở về với hai đứa nhỏ chốn quê nghèo ở tận Bạc Liêu xa xôi. Câu chuyện của những kẻ xa xứ bị kẹt lại giữa phố xá không xa lạ, nhưng nghe cô chia sẻ, tôi có chút ngậm ngùi, đồng cảm. Nụ cười rạng rỡ của cô đã xua tan tất cả những nỗi muộn phiền, tôi cảm thấy an yên khi cầm trên tay bịch muối lộc.

Tục “Đầu năm mua muối” xuất hiện từ khi nào có thể sẽ chẳng ai nhớ nữa, chỉ biết rằng năm nào đi lễ chùa, tôi mua muối như thời còn ở với mẹ cha và gửi trọn ước vọng vào hạt muối trắng ngần tinh khôi.

Với tôi, người bán muối không chỉ đơn thuần người “bán may mắn” mà nụ cười họ ban tặng cho tôi buổi sớm mai của đầu năm mới chẳng khác nào vị sứ giả của mùa xuân.

NGUYỄN THẮM

Tỉnh Đồng Nai

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-nam-mua-muoi-post724564.html