Đầu năm, về thăm chùa bà Đanh

'Vắng tanh như chùa bà Đanh', câu tục ngữ từ bao đời nói về sự vắng lạnh quạnh hiu. Nói tới chùa bà Đanh, mọi người nghĩ ngay tới sự vắng vẻ mà ít ai biết gốc tích cũng như vẻ đẹp của ngôi chùa này.

Chùa bà Đanh. Ảnh. Hoàng Huế

Chùa bà Đanh nằm tại xã Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Chùa ngự giữa một vùng quê yên bình, nằm cách Phủ Lý không xa và xứng đáng là nơi để du khách trốn khỏi ồn ào, khói bụi của cuộc sống bon chen để đắm mình trong thư thái.

Chùa ghi dấu ấn trong lòng phật tử và du khách bởi vẻ đẹp và không gian thanh tịnh. Nét đẹp hiện hữu trên phong cảnh, kiến trúc, địa thế và cả những huyền tích xa xưa.

Sông Đáy ôm lấy 3 mặt chùa. Ảnh. Hoàng Huế

Cây cầu Cấm Sơn kề bên chùa có kiến trúc bắt mắt. Ảnh. Hoàng Huế

Chùa bà Đanh nằm sát chân núi Ngọc um tùm cây xanh, bên bờ sông Đáy, tách khỏi khu dân cư nên mang nét đìu hiu. Thời xưa, dân tới chùa phải vượt sông, vượt núi, đôi khi phải tránh thú dữ nên chùa lúc nào cũng vắng vẻ. Ấy thế là ra đời cái tích "vắng như chùa bà Đanh". Còn ngày nay, giao thông thuận lợi đã giúp nhiều du khách biết và đến thăm chùa.

Chùa bà Đanh, kề bên sông Đáy và cầu Cấm Sơn. Hoàng Huế

Đường vào chùa bà Đanh. Ảnh. Hoàng Huế

Chùa có địa thế rất đẹp và hữu tình. Kề bên là ngọn núi Ngọc xanh mướt. Trong khuôn viên rộng lớn, những hàng cây cổ thụ rợp bóng. 3 mặt chùa được dòng sông Đáy hiền hòa ôm quanh.

Du khách có thể đi đò xuôi sông Đáy hoặc đi đường bộ. Nếu đi đò, thả theo dòng nước, ngôi chùa hiện lên giữa một vùng xanh tươi. Nếu đi đường bộ, du khách phải đi qua cầu treo Cấm Sơn, với kiến trúc và khung cảnh hữu tình.

Chiếc chuông trong chùa được chạm khắc tinh xảo. Ảnh. Hoàng Huế

Một chiếc kèo với những nét chạm khắc tinh xảo. Ảnh. Hoàng Huế

Ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo, đậm nét kiến trúc đình chùa Bắc Bộ nằm giữa màu xanh mát, nhìn thẳng ra sông Đáy.

Cổng Tam Quan được xây bằng đá, mái đắp rồng quen thuộc như các chùa cổ khác. Các hạng mục trong chùa nổi lên nét độc đáo ở hệ thống kèo với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Các bước phù điêu, kèo chạm hình các loại hoa quả, tứ linh, ngũ phúc, cuốn thư, hổ phủ... sinh động, có cây, có con vật, có tứ linh, tất cả thể hiện sự hài hòa với đất trời. Các nét chạm khắc thoáng đạt, linh hoạt theo 2 phương pháp nhấn chìm và chạm nổi rất đặc sắc.

Cổng Tam Quan cổ kính. Ảnh. Hoàng Huế

Với gần 40 gian gồm nhiều công trình, vạn vật trong cuộc sống được tái hiện trên kèo chùa và phù điêu.

Những cây cổ thụ trong chùa. Ảnh. Hoàng Huế

Điểm nhấn của chùa là hệ thống tượng Phật, tượng Tam Thế, Ngọc Hoàng, tượng bà Đanh... mà trung tâm là tượng bà Đanh với khuôn mặt hiền từ, đẹp và gần gũi, tọa trên chiếc ngai đen bóng, tạo nên vẻ chân thực.

Chùa bà Đanh giờ không còn “vắng lạnh”. Ảnh. Hoàng Huế

Chùa bà Đanh nằm trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, liền với những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại nhưng gắn liền vói cuộc sống lao động của nhân dân. Chùa có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng của bà con, ghi dấu ấn nhẹ nhàng trong lòng du khách, đưa con người vào sự thanh tịnh, thư thái.

Hoàng Huế

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/du-lich/dau-nam-ve-tham-chua-ba-danh-591660.ldo