Đầu ra cho cà phê Đăk Lăk: Chất lượng và kết nối cung cầu

Đăk Lăk cần nâng cao giá trị ngành hàng cà phê bằng việc tập trung vào chất lượng sản phẩm và tăng cường hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Niên vụ 2018-2019, tỉnh Đăk Lăk có hơn 203.000 ha cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm là gần 188.000 ha, năng suất bình quân đạt 25,44 tạ/ha. Tổng sản lượng đạt hơn 478.000 tấn, tăng hơn 18.000 tấn so với niên vụ trước.

Cần nâng cao giá trị ngành hàng cà phê bằng việc tập trung vào chất lượng sản phẩm và tăng cường hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Cần nâng cao giá trị ngành hàng cà phê bằng việc tập trung vào chất lượng sản phẩm và tăng cường hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Mặc dù tổng sản lượng tăng, nhưng 90% cà phê của Đăk Lăk vẫn được sản xuất bởi các hộ nhỏ lẻ, không đồng đều về chất lượng; Việc cải tạo, tái canh cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, chất lượng kém còn gặp nhiều khó khăn; Tình trạng thu hái cà phê xanh diễn ra còn phổ biến, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ… từ đó làm giảm giá trị của ngành hàng cà phê.

Hiện niên vụ cà phê 2019-2020, ở tỉnh đã bắt đầu, năng suất bình quân ước đạt 25,44 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 465.000 tấn.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, để nâng cao giá trị của cà phê Đăk Lăk nói riêng và Việt Nam nói chung, cần hướng đến khai thác các phân khúc thị trường mới, giàu tiềm năng, trong đó có phân khúc cà phê đặc sản.

“Đăk Lăk cần có đề án, chính sách phát triển cà phê đặc sản toàn diện và dài hạn, tập trung đầu tư cho người sản xuất cà phê tại vùng nguyên liệu, đầu tư khoa học công nghệ, xác định giống cây và tập huấn quy trình canh tác cho nông dân, đầu tư khâu chế biến sâu, hỗ trợ tiếp cận thị trường… Qua đó tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất và tăng giá trị kinh tế của ngành hàng cà phê Việt Nam từ thị trường xuất khẩu đến chuỗi các cửa hàng bán lẻ”, ông Minh nói.

Theo Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đăk Lăk, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tăng hiệu quả kết nối giao thương với thị trường trong và ngoài nước.

“Để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, đề nghị tỉnh có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương nên tổ chức những hội nghị kết nối nhà xuất khẩu và nhập khẩu cà phê tại Việt Nam kể cả hiệp hội tham gia vấn đề này có như thế họ vào tìm hiểu hơn và ghi nhận và kết nối được sản phẩm hàng hóa của chúng ta hơn. Chứ hiện nay lĩnh vực này các doang nghiệp đang tự làm”, ông Dương cho hay./.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dau-ra-cho-ca-phe-dak-lak-chat-luong-va-ket-noi-cung-cau-979443.vov