Dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng

Trong dòng chảy lịch sử của cách mạng Việt Nam, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc đã ghi lại nhiều mốc son chói lọi. Một trong những dấu mốc đó phải kể tới Xô Viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930-1931. Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang hoạt động ở nước ngoài. Tuy vậy, Người vẫn luôn theo dõi tình hình trong nước và thường xuyên báo cáo với Quốc tế Cộng sản. Trong Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nhan đề: Nghệ Tĩnh đỏ, Người khẳng định: 'Bom đạn, súng máy, đốt phá, đồn binh... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh'.

Ngược dòng thời gian, đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933 đã tác động trực tiếp đến nước Pháp. Để giải quyết những khó khăn nội tại, thực dân Pháp ra sức bóc lột và đàn áp nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Lúa gạo sụt giá, nhưng sưu thuế lại tăng. Một suất sưu năm 1929 giá bằng 50kg gạo thì năm 1930 là 100kg, năm 1933 là 300kg. Người nông dân sống ở cái mức cùng cực của đói kém và nghèo khổ.

Thêm vào đó, các vụ bắt bớ, đàn áp của chính quyền thực dân diễn ra tàn bạo trên khắp cả nước, đặc biệt sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng khiến cho bầu không khí chính trị Việt Nam càng trở nên ngột ngạt. Điều này khiến cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và bè lũ tay sai ngày càng trở nên sâu sắc. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ cao trào cách mạng 1930-1931 trên qui mô toàn quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ và đạt tới đỉnh điểm ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Phong trào đấu tranh bùng nổ vào sáng 1-5-1930 với sự tham gia của công nhân khu công nghiệp Vinh-Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xôviết. Từ tháng 5 đến tháng 8-1930, ở vùng Nghệ-Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân.

Ngày 30-8-1930, 2.000 người nổi dậy chiếm huyện lỵ Nam Đàn, giải phóng tất cả tù chính trị, tên quan huyện đã phải đầu hàng quần chúng nổi dậy. Ngày 1-9-1930, nhà của cường hào huyện Thanh Chương bị phá; ngày 6 và 7-9, nhà của địa chủ và quan lại (phong kiến) bị những người khởi nghĩa tấn công, bốt Đô Lương bị phá hủy. Máy bay của đế quốc Pháp ném 10 quả bom, 15 người khởi nghĩa bị giết. Ngày 7-9-1930, huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh bị những người nổi dậy tấn công. Đêm 7, rạng sáng ngày 8-9-1930, huyện Cẩm Xuyên bị quân khởi nghĩa chiếm, tất cả giấy tờ đều bị tịch thu và đốt. Ngày 8 và 9-9, phủ Anh Sơn và Kỳ Anh bị quân khởi nghĩa chiếm, họ phá dinh tri phủ và thả tất cả những người tù. Ngày 11-9-1930 có cuộc đụng độ giữa 2.000 người khởi nghĩa với binh lính. Binh lính thất bại và bỏ chạy.

Từ Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc… phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đã lan rộng ra hầu khắp các huyện trong hai tỉnh. Phong trào được đẩy lên đỉnh cao đó là cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên ngày 12-9. Từ 3 giờ sáng, tại Đền Xuân Hòa, sau hiệu lệnh của tiếng trống nhân dân ba tổng Phù Long, Thông Lạng; Nam Kinh đã tập kết mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng, cờ đỏ búa liềm rực trời, rầm rộ kéo thẳng ga Yên Xuân, rồi tiến về phủ lỵ đòi yêu sách. Khi chị Nguyễn Thị Phia đang đứng trên mô đất cao diễn thuyết thì bất ngờ, máy bay địch nhào tới, vừa bắn liên thanh, vừa ném bom xuống đoàn biểu tình. Bom rơi trên đê, bom nổ trên mái làng xác xơ. Vụ thảm sát đã khiến cho 217 người chết, 125 người bị thương, trong đó riêng Hưng Long có 47 người chết.

Chưa dừng ở đó, để đàn áp giặc đã kéo về bao vây 54 làng Xuân Hòa, Yên Phú, Yên Thọ, Thuận Đức để truy bắt các chiến sĩ cách mạng, chúng điên cuồng đốt phá gây nên cảnh màn trời chiếu đất cho hàng ngàn dân lúc bấy giờ. Khí phách của quần chúng nhân dân và sự đàn áp dã man của giặc Pháp đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa ngày 16-12-1930, Nghị sĩ Pháp Marius Moutet đã tỏ rõ thái độ phản kháng: “Tôi phản đối lối dùng máy bay với cớ là dẹp những vụ biến động ở bản xứ… Thật là không xứng đáng đối với nước ta khi chúng ta dùng những lối đàn áp dã man như vậy…”.

Những cuộc đàn áp đẫm máu đó không ngăn được phong trào. Không chịu khuất phục, quần chúng nhân dân vùng lên như vũ bão khiến cho bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến và tay sai ở nhiều huyện, xã bị tê liệt, tan rã. Toàn quyền René Robin nhận xét: “Chính quyền bản xứ thuộc mọi cấp trong tỉnh đều tê liệt, không thể nêu tên một người cầm đầu nào... Sự sợ hãi làm tê liệt các ông quan, các ông này khóa cổng, chui vào trong nhà và chỉ lo có mỗi việc phòng vệ cho chính bản thân họ. Mỗi khi các ông tri phủ, tri huyện đi tuần theo quân đội hoặc lính bản xứ, họ đi mà mình lẩy bẩy, chân tay run”.

Trước tình hình đó, các tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết. Chính quyền Xô Viết đã ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân, quyền tự do hội họp và sinh hoạt cho các tổ chức đoàn thể như Nông hội, Tự vệ Đỏ, Cứu tế Đỏ… trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho dân cày nghèo, bỏ các thứ thuế vô lý, thực hiện giảm tô, xóa nợ, tổ chức cứu đói; phát động phong trào thực hiện đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, tổ chức sinh hoạt tập thể như học chữ quốc ngữ, đọc sách báo cách mạng…

So với các hình thức Xô Viết trong lịch sử thế giới như: Công xã Paris năm 1871 (chỉ tồn tại trong 72 ngày), Công xã Quảng Châu năm 1927, Xô Viết Nga năm 1905, Xô Viết Bavie, Đức năm 1919… Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tồn tại trong 7 tháng và dù còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công-nông đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân nô lệ.

Đánh giá về cao trào cách mạng 1930-1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta có thể nói rằng Xô Viết Nghệ An đối với Việt Nam cũng hơi giống cách mạng 1905 ở Nga. Xô Viết Nghệ An đã lôi cuốn được cả công nhân, nông dân và học sinh. Đã lập nên chính quyền nhân dân. Đã làm cho giặc Pháp kinh sợ. Thật là một cuộc cách mạng oanh liệt đầu tiên do giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo”. Báo chí tư sản (báo Công luận ngày 12-12-1930) đã buộc phải thừa nhận: “Ở các tỉnh Bắc Trung Kỳ, Nghệ An, Hà Tĩnh-đó không phải khởi nghĩa, mà là cách mạng thực sự. Những người tuyên truyền Mạc Tư Khoa thật thâm thúy. Hai huyện đã thành lập chính quyền Xô Viết. Chính quyền của chúng ta hầu như không tồn tại ở hai tỉnh ấy... Ở nông thôn Bắc Trung Kỳ, các Xôviết đã tổ chức các cơ quan hành chính của mình”.

Từ năm 1931, thực dân Pháp và tay sai đã thực hiện một cuộc khủng bố tàn bạo ở Nghệ-Tĩnh. Chúng ráo riết truy lùng, bắt bớ các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước. Mặc dù quần chúng cách mạng đã tích cực đấu tranh chống mọi thủ đoạn đàn áp, lừa bịp của địch nhưng do lực lượng không cân sức, phong trào dần dần đi xuống. Mặc dù, thời gian tồn tại không dài do bị thực dân Pháp dìm trong biển máu nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lần đầu tiên, cách mạng đã thực hiện chính quyền nhân dân trong một vùng. Chính sách lúc đó là đúng. Nhưng thất bại là vì nhiều cớ. Mà cớ chính là: lực lượng địch đang mạnh. Ta thì không nhận rõ kẻ thù chính là thực dân Pháp, không đưa toàn cả lực lượng mà chống nó. Ta mắc phải bệnh hẹp hòi, không biết tổ chức Mặt trận thống nhất dân tộc. Tuy vậy, phong trào ấy đã để cho ta những kinh nghiệm rất quý báu”.

Trong số những bài học (cả thành công và không thành công), nổi bật là bài học nắm bắt thời cơ, đề ra chủ trương, đường lối đấu tranh đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân từ đó tập hợp, phát động các tầng lớp nhân dân. Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới thành lập. Trên thực tế, trải qua các cao trào cách mạng tiếp sau (cao trào 1936-1939 và 1939-1945), Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân từng bước tạo thế và lực để rồi khi thời cơ đến đã chớp thời cơ nhất tề đứng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Có thể khẳng định rằng, 88 năm đã trôi qua song truyền thống oanh liệt, tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn tỏa sáng. Cho tới hôm nay và mãi sau này, “tiếng trống” của những năm 30 chắc chắn sẽ còn âm vang-một minh chứng hùng hồn cho sức quật khởi của một dân tộc mang trong mình khát vọng độc lập, tự do. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng, quật khởi của Xô Viết Nghệ-Tĩnh, vượt qua mọi khó khăn, tiến lên giành những thắng lợi mới.

Hà Hải

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dau-son-trong-lich-su-dau-tranh-cach-mang/