Đầu tàu kết nối giao thương

Hướng tới thị trường Hà Nội

Đây không phải lần đầu Hà Nội thể hiện vai trò “đầu tàu” trong hoạt động kết nối cung - cầu. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, với dân số lớn và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại (gồm 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 455 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, hơn 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...), Hà Nội là nơi tập trung tiêu thụ và phát luồng hàng hóa tới các vùng, miền trong cả nước và cho công tác xuất khẩu.

Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã tích cực tổ chức nhiều chương trình hợp tác xúc tiến thương mại, liên kết giao thương với hơn 50 tỉnh, thành phố trong nước. Riêng trong giai đoạn 2018 - 2019, các bên đã phối hợp tổ chức 24 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Thủ đô. Qua đó, đã có hơn 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, đưa vào hệ thống tiêu thụ. Các bên còn tích cực, chủ động cung cấp danh sách nhà sản xuất cho các nhà kinh doanh, phân phối trên địa bàn Hà Nội để kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và Trang thông tin nông sản an toàn TP Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: “Những đòi hỏi của thị trường Hà Nội đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn luôn muốn có cơ hội đưa sản phẩm, nhất là hàng nông sản sạch, có chất lượng đến người tiêu dùng Thủ đô và cả nước, từ đó xuất khẩu ra nước ngoài”.

Qua việc kết nối này, các sản phẩm, hàng hóa của nhiều tỉnh như Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận... đã đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng tại thị trường Hà Nội. 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã tiếp cận và đưa được hàng hóa vào các hệ thống Vinmart, BigC, Saigon Co.op Hà Nội, siêu thị Đức Thành, các hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch… Giá bán sản phẩm tại Hà Nội đã góp phần ổn định giá thu mua tại các nhà vườn, nơi sản xuất, giúp người nông dân tăng thu nhập, đồng thời, hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ sản phẩm khi bị dư thừa nguồn cung.

Hoàn thiện chuỗi liên kết

Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động kết nối cung - cầu thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh đánh giá, tuy đã có nhiều chuyển biến, nhưng quy mô sản xuất của một số doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các tỉnh chỉ ở mức nhỏ, sản xuất theo tập quán truyền thống cho nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, chưa bảo đảm chất lượng trong các khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển… Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường để thông tin cho doanh nghiệp chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá thành và việc tiêu thụ.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hoạt động sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn, các doanh nghiệp cũng mong muốn được các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ hiệu quả trong công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm với hệ thống bán lẻ hiện đại của Hà Nội. Đồng thời, các cấp chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch; sản xuất, cung ứng hàng hóa theo đúng nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, nhất là các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP... Tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa sáu nhà gồm: Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối. Hà Nội sẽ tích cực tuyên truyền quảng bá, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối trên địa bàn thành phố cũng như các hệ thống phân phối nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, EU, ASEAN…

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thắng Hải đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực, là đầu tàu trong công tác kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, hỗ trợ việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương một cách ổn định, bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42398102-dau-tau-ket-noi-giao-thuong.html