'Đầu tàu' sáng kiến ở cảng

Trong 7 năm làm việc, anh Nguyễn Ngọc Chiến (30 tuổi, nhân viên Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, quận 7, TPHCM), đã có liên tục 10 giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Sự miệt mài lao động sáng tạo của anh đã làm lợi, tiết kiệm cho công ty được gần 4 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Chiến

Anh Nguyễn Ngọc Chiến

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chuyên ngành Điện tự động năm 2012, anh Chiến vào làm việc tại Công ty Cảng Bến Nghé với chức danh kỹ sư điện phụ trách các thiết bị xếp dỡ. Anh “chăm sóc” 2 cẩu QC và 4 cẩu RTG, có tải trọng nâng từ 40 tấn. Đây đều là các thiết bị, phương tiện chủ lực, lớn nhất cảng. Nếu thiết bị, phương tiện hoạt động không ổn định, năng suất không cao, thiệt hại là vô cùng lớn.

Anh Chiến thổ lộ, anh nhận thức rõ vai trò to lớn mà mình gánh vác. Hai năm đầu tiên, anh bỡ ngỡ với công việc mà anh gọi là “hệ quả của sự va đập giữa lý thuyết được học với thực tế hoạt động của các phương tiện thiết bị”. Để giải quyết sự “va đập” ấy, anh vừa chăm chỉ làm việc, vừa quan sát, học hỏi, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật của các phương tiện cần cẩu. Dần dần, anh nắm bắt được một cách tương đối hệ thống cần cẩu QC và RTG của cảng.

Vận dụng chuyên môn về điện tự động chuyên môn và khả năng tìm tòi nguyên lý hoạt động của các thiết bị để “chẩn bệnh” kịp thời, anh Chiến đã đưa ra nhiều giải pháp sáng kiến xử lý chuẩn xác. Năm 2016, cẩu QC, một trong những phương tiện lớn nhất cảng (nâng được 40 tấn), bị xuống cấp hệ thống điều khiển. Sự rung, lắc, va đập đã làm cho hệ thống điều khiển nằm trên ngáng của cẩu hoạt động không ổn định. Các tín hiệu điều khiển thường bị rớt ra ngoài gây chạm điện, chập điện nguy hiểm.

Không an tâm trước nguy hiểm luôn chực chờ, anh Chiến tìm cách thiết kế lại tủ điều khiển mới sử dụng bộ xử lý trung tâm PLC S7-200. Đồng thời, dời tủ điện từ ngáng cẩu đặt lên cabin, tránh hiện tượng rung, lắc, va đập khi ngáng cẩu hoạt động. Nhờ đó, người vận hành cẩu giám sát được chương trình điều khiển của hệ thống, giảm thời gian sửa chữa, tăng năng suất bốc xếp của cẩu.

Năm 2017, anh Chiến lắp đặt bộ đo dòng điện Motor Hoist để phân biệt được container rỗng hoặc container chứa hàng. Giải pháp này giúp cảng tránh nhầm lẫn container không tải và có tải, từ đó dùng phương án xếp dỡ hợp lý. Đặc biệt, năm 2018, anh Chiến đã thiết kế hệ thống chiếu sáng tự động cho cẩu QC; nâng cấp hệ thống xe điện nâng container PPM “Tôi vui vì những “đứa con tinh thần” của mình và đồng nghiệp khi hoàn thành, đã đáp ứng được yêu cầu công việc của cảng. Kết quả là năng suất xếp dỡ của các thiết bị này tăng cao, chỉ số khả năng sẵn sàng luôn duy trì ở mức cao trên 90%”, anh Nguyễn Ngọc Chiến chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Ngọc Chiến, chính vì được làm việc đúng đam mê, đúng chuyên môn, đúng sở trường và được các đồng nghiệp hỗ trợ tích cực nên một kỹ sư điện như anh đã đảm đương tốt hệ thống kỹ thuật điện của các cần cẩu, đồng thời liên tục nảy ra nhiều sáng kiến hữu hiệu. Anh Chiến cũng là người đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ thuật mới cho một số kỹ thuật viên của phòng. Anh không giấu bất cứ “bí kíp” nghề nghiệp nào, chia sẻ hết mình với mong muốn đồng nghiệp có thể xử lý nhanh hơn các tình huống, có thể độc lập tác chiến trong mọi hoàn cảnh.

Sâu sát với hành trình của anh Chiến, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cảng Bến Nghé, chia sẻ, gần như năm nào Chiến cũng chủ động có giải pháp hay, đáp ứng rất tốt các yêu cầu là giảm thời gian, giảm chi phí sửa chữa thiết bị, đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định.

“Các giải pháp của Chiến là “của nhà trồng được”, nhưng khi hoàn thiện, đã được kiểm định theo đúng quy chuẩn. Thực tế phương tiện, thiết bị hoạt động rất tốt”, ông Minh nhận xét.

MẠNH HÒA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dau-tau-sang-kien-o-cang-611489.html