Đấu thầu thuốc nhìn từ vụ án thuốc chữa ung thư giả tại Công ty CP VN Pharma: Những lỗ hổng phải được bịt kín!

Tháng 8/2017, vụ án thuốc chữa ung thư giả tại Công ty CP VN Pharma bùng nổ, tựa như “cú sốc quá liều” tiếp tục thổi bạt niềm tin, vốn dĩ ngày càng suy giảm của người dân vào nghề Y. Tội danh, hình phạt đã được Tòa án đưa ra nhưng có lẽ, các bị cáo sẽ còn phải đối diện, chịu sự phán xét của tòa án lương tâm bởi sự băng hoại đạo đức, tha hóa đến tận cùng, gây bất an cho xã hội. Nhưng một câu hỏi nhức buốt và cấp bách cần phải có câu trả lời đã được đặt ra ngay sau khi vụ án khép lại: cần phải làm gì để bịt những lỗ hổng pháp lý đáng quan ngại trên thị trường dược và thiết bị y tế hiện nay?

Từ câu chuyện “Đấu đâu thắng đó”

Trước phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma sáng 21/8, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Giám đốc VN Pharma) thừa nhận quá trình mua thuốc đã “không chuẩn” khi dùng giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu thuốc như cáo trạng truy tố. Kết quả xác minh cho thấy lô thuốc không đạt tiêu chuẩn, không được sử dụng cho người. “Bị cáo mua sản phẩm này cũng giống mua sản phẩm khác. Khi thực hiện có những việc không chuẩn, nhưng bị cáo khẳng định đây là sản phẩm kinh doanh bình thường, không có gì đặc biệt mà làm giả hoặc buôn lậu…” – Hùng khai trước tòa.

Tuy nhiên, câu chuyện “cười ra nước mắt” này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nguyễn Minh Hùng còn là “đạo diễn” kiêm “diễn viên chính” trong “vở diễn đấu thầu thuốc” vốn giành được vô số “thành công” trên thị trường dược phẩm Việt Nam. Thành lập tháng 10/2011, là công ty “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nhiều người trong ngành dược, đặc biệt là tại TP.HCM, rất ngạc nhiên trước tốc độ phát triển chóng mặt và chiếm lĩnh thị trường dược phẩm rất nhanh của VN Pharma.

Lý giải câu hỏi: Vì sao VN Pharma phát triển thần tốc, “đấu đâu thắng đó” với các hợp đồng chục tỉ, trăm tỉ cung ứng thuốc cho bệnh viện của VN Pharma, báo Tuổi trẻ TP.HCM cho biết: Tháng 2/2012, dù chỉ mới “chào đời” được 4 tháng tuổi, VN Pharma đã thành lập VN Pharma An Giang, 8 tháng sau kể từ ngày thành lập, VN Pharma tiếp tục “sinh” thêm VN Pharma Cà Mau (18/6/2012).

Thuốc thì giả nhưng nỗi đau của người bệnh là thật.

Phát triển hệ thống phân phối xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ xong, cuối năm 2012 công ty này tiếp tục “Bắc tiến” thành lập chi nhánh tại Hà Nội để mở rộng hệ thống phân phối ra miền Bắc. Công ty này còn liên tiếp thành lập các đơn vị thành viên như VN Medicare (tháng 11/2012) hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh và sinh hóa phẩm y tế, VN Logistics (tháng 3/2013) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược, VN Clinic (tháng 7/2013) hoạt động trong lĩnh vực phòng khám.

Dù đã “sinh thêm nhiều con” nhưng VN Pharma vẫn tiếp tục thành lập thêm nhiều công ty thành viên khác như Công ty TNHH MTV dược Nam Anh, Công ty CP dược Nam Hùng, Công ty TNHH MTV dược VN Pharma. Tháng 8/2013, VN Pharma nâng vốn điều lệ lên 40 tỉ đồng. Chưa đầy một năm sau (ngày 5/7/2014) tại đại hội đồng cổ đông lần 3 (nhiệm kỳ 1/2014), ông Hùng đã báo cáo năm 2013 doanh thu bán hàng hợp nhất của công ty này đạt 971 tỉ đồng và (lúc đó) dự kiến năm 2014 doanh thu bán hàng của VN Pharma đạt 1.077 tỉ đồng…

Điều đáng nói là ngay từ giữa năm 2014, khi kết quả đấu thầu thuốc tập trung do Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công được công khai thì ngay lập tức đã lùm xùm nhiều vấn đề liên quan đến một số thuốc được trúng thầu. Trong đó nổi cộm vấn đề thuốc H-Capita caplet 500mg (hoạt chất Capecitabine, trị ba loại ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng, chưa có số đăng ký của Cục Dược) được Cục Quản lý dược cấp phép cho VN Pharma nhập chuyến, nhưng hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng với thực tế. Việc thuốc của VN Pharma dễ dàng được trúng thầu cũng thể hiện rõ khi Sở Y tế TP.HCM cho cùng một hoạt chất được trúng thầu hai lô là trái với quy định.

Vì sao VN Pharma chiếm lĩnh thị trường dược nhanh chóng và được ưu ái trúng thầu số lượng lớn? Vì sao “lý lịch” thuốc H-Capita caplet 500mg và 7 mặt hàng dung dịch tiêm truyền có những điểm không rõ ràng, mâu thuẫn… nhưng vẫn qua mặt được các chuyên gia thẩm định của Cục Quản lý dược? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp!

“Lỗ hổng” trong đấu thầu thuốc: “Bịt” thế nào?

Sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã thông tin về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong việc xử lý thuốc nhập khẩu của Công ty CP VN Pharma. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, về việc thẩm định đơn hàng số 225/ĐH/VNP-XNK của Công ty Cổ phần VN Pharma (đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita 500Mg Caplet) được thực hiện theo đúng quy định, đúng trình tự, thủ tục, đúng quy chế hoạt động của tổ thẩm định. “Việc cấp phép hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái”, thông cáo của Bộ Y tế nêu.

Tuy nhiên, Bộ Y tế không thể phủ nhận, tạo tiền đề cho sự “đấu đâu thắng đó” của những “hiện tượng” như VN Pharma là những lỗ hổng đáng quan ngại đã xuất hiện từ rất lâu, gây nhiều bức xúc trên thị trường dược và thiết bị y tế. Câu hỏi “bịt lỗ hổng” này như thế nào cũng đã được dư luận và báo giới “mổ xẻ” bàn thảo rất nhiều. Nhưng đáng tiếc, những “mối hàn” mang tính pháp lý và khả thi cao để bịt những lổ hổng này đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Cần xem lại quy chế đấu thầu thuốc để người bệnh không khổ sở vì “thuốc giả”.

Mới đây, từ vụ VN Pharma, Thạc sĩ Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công cho rằng không thể chỉ đơn giản đổ lỗi cho đạo đức của đội ngũ y bác sỹ, hay sự tham lam của các công ty Dược cho tình trạng méo mó, thiếu minh bạch trong thị trường dược hiện nay. Trước hết, từ phía Nhà nước, cần bịt những lỗ hổng pháp lý và tổ chức lại hệ thống quản lý để quản lý hiệu quả hơn thị trường dược. Cụ thể, theo ông, phải quan tâm với 3 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, vấn đề chất lượng và giá cả các gói thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện. Hiện nay, việc quản lý đấu thầu mua sắm đang được giao phó toàn bộ cho ngành Y tế. Việc “khoán trắng” này dẫn đến 3 điểm hạn chế cơ bản. Điểm thứ nhất, phải đảm nhận đồng thời chức năng kiểm soát chất lượng thuốc; kết hợp với yêu cầu quản lý được hiệu quả kinh tế – tức giá thuốc, trong một cơ quan vốn thuần túy mang tính kỹ thuật (chuyên môn về dược – tức chuyên môn kỹ thuật) thì tự nó khiến cho cơ quan này khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

Điểm thứ hai, trong khi thuốc được quy định là mặt hàng cần có sự kiểm soát về giá của Nhà nước, nhưng phía bộ Tài chính – cụ thể là Cục Quản lý Giá, lại không có vai trò gì. Điểm thứ ba, xuất phát từ việc thiếu sự tham gia của Bộ Tài chính, tạo ra vị thế “độc quyền” trong quyết định các gói thầu cho Cục Quản lý Dược, khiến cho cơ quan này dễ rơi vào vị thế “xung đột lợi ích”, chú trọng khía cạnh “kinh tế” vốn có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho Cục này, hơn là quản lý chất lượng thuốc.

Vì vậy, từ phía thiết kế hệ thống quản lý nhà nước với thị trường dược, cần tách bạch và làm rõ chức năng Quản lý chất lượng thuốc và Quản lý giá cả mặt hàng thuốc của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Về mặt chất lượng, Cục Quản lý Dược là cơ quan duy nhất chịu hoàn toàn trách nhiệm kỹ thuật về vấn đề chất lượng và an toàn của mọi loại thuốc là hàng hóa lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, vấn đề giá cả thuốc, đặc biệt là thuốc thuộc về gói thầu mua sắm trong bệnh viện cần có sự tham gia đồng thời, và đóng vai trò quan trọng hơn của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

Vấn đề quan tâm thứ hai là minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc. Như đã nói ở trên, thuốc – mặc dù được mua sắm bởi bệnh viện, và người chi trả là 3 bên: người bệnh, quỹ bảo hiểm y tế, và một phần trợ cấp từ Nhà nước – nhưng cần được xem là một loại hàng hóa công. Tuy nhiên hiện nay, việc công khai thông tin và giám sát trong quá trình đấu thầu là rất hạn chế. Để tránh việc “ưu ái”“khuất tất” trong đấu thầu, tất cả các gói thầu cần được tổ chức đấu thầu công khai và có sự giám sát của một bên độc lập. Trong trường hợp này, bên giám sát có thể là đại diện từ hiệp hội các nhà sản xuất thuốc, hoặc đại diện của Hiệp hội Y tế. Thông tin về các gói thầu, chấm thầu và bên thắng thầu cần công khai để báo chí có thể tiếp cận và giám sát.

Vấn đề thứ ba, vấn đề giám sát bác sĩ kê đơn và quản lý đơn thuốc. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động nghiệp vụ của bác sĩ. Theo đó có thể yêu cầu áp dụng công nghệ vào quản lý đơn thuốc: tất cả các đơn thuốc từ một bác sĩ kê đơn được lưu trữ vào hệ thống thông tin; lưu trữ và tổng hợp. Từ dữ liệu này, những hành vi bất thường – kê đơn thiên lệch cho một nhãn hàng thuốc nào đó – có thể được dễ dàng phát hiện, truy xuất thông tin và quy trách nhiệm.

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ mới là những giải pháp trước mắt, mang tính ngắn hạn để “chấn chỉnh” lại thị trường. Cải tổ toàn diện hệ thống y tế, bao gồm – tách bạch y tế công – tư; minh bạch hóa tài trợ từ Nhà nước và vai trò của bảo hiểm y tế; phát triển vai trò của các hội nghề nghiệp trong ngành y, tách bạch chức năng và vai trò đảm bảo dịch vụ công ích y tế và chức năng điều tiết thị trường khám chữa bệnh, thị trường dược, mới là những bước đi dài hạn, giúp giải quyết những bất cập kéo dài của hệ thống y tế Việt Nam.❏

Anh Thư

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhung-lo-hong-phai-duoc-bit-kin/