Đấu thầu thuốc tập trung để xóa chênh lệch giá thuốc

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay giá thuốc, vật tư y tế giữa các địa phương có sự chênh lệch khá lớn. Cùng một loại thuốc, một loại thiết bị nhưng giá lại chênh lệch nhau.

Đấu giá thuốc tập trung sẽ giúp người bệnh tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: Xuân Thảo.

Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh năm 2017 đã tăng 30% so với năm 2016. Với mục tiêu giảm từ 10-15% giá thuốc thuộc danh mục chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT), việc đấu thầu thuốc tập trung sẽ giúp tiết giảm chi phí của người bệnh, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và góp phần bảo đảm kiểm soát chặt giá khám chữa bệnh.

Cùng loại thuốc nhưng giá khác nhau

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, số lượng các Hội đồng đấu thầu thuốc riêng lẻ tăng nhanh do quy định các cơ sở khám chữa bệnh phải đấu thầu riêng lẻ đối với các thuốc không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương và cấp quốc gia. Trong khi các cơ sở khám chữa bệnh hạn chế về nhân lực, dẫn đến thực hiện công tác đấu thầu chưa hiệu quả, giá trúng thầu của nhiều loại thuốc chênh lệch lớn giữa các hội đồng, cao hơn giá thuốc trúng thầu trung bình.

Cùng với đó, giá thuốc do doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh của chính địa phương lại cao hơn giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác (như tại Bình Định, Phú Yên...). Chỉ tính riêng 40 mặt hàng thuốc BHXH chỉ đạo BHXH tỉnh Bình Định xem xét, xử lý, các doanh nghiệp tại tỉnh này đã điều chỉnh giảm giá với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Đối với thuốc y học cổ truyền, mặc dù có chủ trương khuyến khích phát triển y học cổ truyền nhưng các thuốc này chưa đảm bảo chất lượng, độ tin cậy như mong muốn. Giá vị thuốc y học cổ truyền hiện nay chưa được quản lý, chất lượng chưa được kiểm soát.

Bên cạnh đó, giá trúng thầu vật tư y tế cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, thuốc cùng chủng loại, nhà sản xuất nhưng có giá khác nhau. Ví dụ giá đỡ (stent) động mạch vành phủ thuốc Biomin, do hãng Meril Ấn Độ (trúng thầu ở Bệnh viện Quân y 103 là 37 triệu đồng/cái, nhưng ở Phú Thọ lại 58,6 triệu đồng/cái).

Đưa thuốc về đúng giá

Để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT và chi phí thuốc một trong những giải pháp quan trọng là khẩn trương thực hiện đấu thầu tập trung thuốc. Với việc Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện (6 thuốc, tương ứng với khoảng 147 thuốc thương mại thuộc các nhóm, có giá trị sử dụng năm 2016 là gần 1.000 tỷ đồng), chắc chắn sẽ góp phần tiết giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.

Đồng thời, việc đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia với số lượng lớn sẽ có giá tốt hơn, giá giảm hơn, hợp lý hơn và đưa về đúng giá mà người dùng đáng được hưởng. Hiện, BHXH các tỉnh đang tổng hợp nhu cầu từ các bệnh viện, chuẩn bị đấu thầu tập trung trên 20 mặt hàng thuốc có số lượng sử dụng lớn. Mục tiêu của đợt đấu thầu tập trung này là sẽ giảm giá ít nhất 10% so với giá mua thuốc cùng loại năm 2016.

Đáng chú ý, hiện trong nước có 1.200 mặt hàng thuốc biệt dược gốc, bằng 5% tổng số mặt hàng thuốc trên thị trường, chi phí thanh toán là 8.162 tỷ đồng, bằng gần 25% tổng chi cho tiền thuốc. Nguyên nhân cơ bản là các loại thuốc biệt dược gốc được đấu thầu ở một nhóm riêng, tạo sự độc quyền. Đồng thời, không có cơ chế để kiểm soát giá đối với các loại thuốc này. Theo công bố của Bộ Y tế, đã có 101 thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền đã có thuốc Generic nhóm 1 có tác dụng điều trị tương tự có thể thay thế. Tổng chi phí của 101 thuốc này là 2.024 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của thuốc Generic nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được trên 500 tỷ đồng (khoảng 25%).

BHXH Việt Nam cũng đã thống kê, có 39 loại thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền đã có 1 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể thay thế; 37 loại thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền đã có 2 số đăng ký thuốc generic nhóm 1 có thể thay thế. Tổng chi phí của 76 loại thuốc biệt dược gốc đã có 1 đến 2 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể thay thế nêu trên là 811 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được 199 tỷ đồng.

“Trong năm nay, Trung tâm đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sẽ thực hiện đấu thầu các nhóm thuốc với 5 hoạt chất. BHXH cũng sẽ thực hiện đấu thầu tập trung thuốc với 5 hoạt chất khác, không trùng với 5 hoạt chất mà Bộ Y tế đã đấu thầu để tránh chồng chéo. Đấu thầu thuốc tập trung lựa chọn các thuốc có số lượng và giá trị sử dụng lớn hoặc các loại thuốc có nhiều số đăng ký (tối thiểu từ 3 số đăng ký trở lên để đảm bảo tính cạnh tranh) hoặc biệt dược có 2 số đăng ký nhưng không thuộc danh mục đàm phán giá”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Tại cuộc họp cho ý kiến về việc thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT, không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu BHXH, Bộ Tài chính và Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ trong tổ chức đấu thầu thuốc thuộc danh mục chi trả của BHYT nhằm kéo giảm giá thuốc từ 10 - 15% so với hiện hành. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Y tế phải thống nhất thực hiện để từ ngày 1/1/2018, BHXH triển khai thí điểm đấu thầu thuốc dùng trong BHYT.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dau-thau-thuoc-tap-trung-de-xoa-chenh-lech-gia-thuoc.aspx