Dấu tích văn hóa từ những ngôi nhà cổ

Bên cạnh những di tích minh chứng cho chiều dài lịch sử hơn 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai, sự hiện hữu của những ngôi nhà cổ đã góp phần quan trọng phản ánh nét văn hóa đặc thù của các thế hệ cư dân sinh sinh sống trên vùng đất này.

Không gian bên trong nhà cổ Trần Ngọc Du (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Ny

Không gian bên trong nhà cổ Trần Ngọc Du (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Ny

Hình thái kiến trúc, cách bày trí, quy ước nề nếp sinh hoạt, tuổi thọ các ngôi nhà cổ... trở thành vốn di sản văn hóa quý giá.

* Những dấu tích văn hóa

Tọa lạc tại KP.Tân Mỹ (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Thôn là một trong số 72 nhà cổ truyền thống của người Việt, tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật trang trí còn hiện hữu trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ngôi nhà được xây dựng những năm đầu thế kỷ XX, bên bờ hữu sông Đồng Nai. Người dân địa phương vẫn quen gọi là nhà thờ họ Lê - dòng họ có nguồn gốc từ lưu dân vùng Ngũ Quảng, theo làn sóng di dân đến lập nghiệp ở Bửu Hòa.

Về cơ bản, nhà cổ gia đình ông Nguyễn Văn Thôn có những đặc điểm chung với những ngôi nhà cổ ở Nam bộ, được xây dựng theo kiểu thức kiến trúc của Đàng Trong, mang tính truyền thống. Giữa lòng nhà trên có 3 bàn thờ, trên có sơn son thiếp vàng, dưới có các trang thờ qua các đời để lại. Trong nhà có 4 bức hoành phi khắc chữ Hán, 6 cặp liễn đối... là những lời hay, ý đẹp mà các bậc tiền nhân đã gửi gắm cho con cháu hôm nay và mai sau.

Được xây dựng vào thập niên đầu của thế kỷ XX, đến nay nhà cổ của ông Phan Văn Đến (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nhà được thiết kế theo dạng chữ Đinh, mặt tiền quay hướng đông nam, trên nền cao khoảng 50cm. Móng nhà được kết nối từ những tảng đá ong rất to, kiên cố và vững chắc. Toàn bộ mái ngói âm dương xếp thành hai lớp giúp cho không khí trong nhà quanh năm luôn thoáng đãng, mát mẻ.

Điểm đặc biệt của nhà cổ của ông Phan Văn Đến là mặc dù nhà kiến trúc dạng chữ Đinh, ba gian hai chái, mặt tiền khá dài nhưng chỉ bố trí 2 cửa chính (thay vì 4 hay 6 cửa như thường thấy). Một ở gian giữa nhà chính và một ở phần nhà phụ, phần còn lại được kết cấu bằng hệ thống vách dạng chấn song. Kiểu thức này rất ít gặp trong các ngôi nhà cổ ở Đồng Nai.

Hơn 100 năm nay, người dân Phú Hội (H.Nhơn Trạch) và các vùng lân cận biết tới nhà cổ - từ đường họ Đào không chỉ ở vẻ bề thế của một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ mà còn ở nét đẹp văn hóa truyền thống tiềm ẩn được kiểm chứng bởi thời gian. Nhà cổ này được chọn là một trong số 401 ngôi nhà cổ tiêu biểu về kiến trúc đại diện cho nền kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XX cũng như minh chứng ghi dấu tiến trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Không gian sinh hoạt nhà cổ họ Đào được phân bổ theo bố cục truyền thống. Nhà trên là nơi thờ phụng, tiếp khách đồng thời là nơi ngủ của các thành viên nam trong gia đình. Nhà dưới là nơi nghỉ và tiếp khách thân thuộc dành cho các thành viên nữ. Trong nhà có 11 bức hoành phi, 8 cặp liễn đối bằng chữ Hán, đường nét sắc sảo, sơn son thiếp vàng xen kẽ nhau tạo hồn cho ngôi nhà với đầy đủ tính thâm nghiêm, hàm ẩn nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, nhà còn có thêm phần mở rộng để làm gian bếp và kho chứa lúa, gạo.

* Bảo tồn và phát huy

Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Thị Tuyết Hồng cho biết, vài năm trở lại đây, không riêng ở Đồng Nai mà nhiều địa phương trong cả nước, các di tích, kiến trúc nhà cổ dân gian bị xuống cấp một cách nhanh chóng. Đây là điều khó tránh khỏi do ngôi nhà cổ có niên đại khá lâu, nguyên vật liệu chủ yếu làm từ gỗ lại chịu tác động của thời gian. Nhiều hạng mục trong kết cấu tổng thể của các nhà cổ đã bị cải tạo theo hướng tân thời, phá vỡ sự hài hòa, hoàn chỉnh của kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống.

Ông Đào Trí Mỹ Nhân, người trông coi ngôi nhà cổ họ Đào hiện tại chia sẻ: “Khi được gia đình giao cho trông coi ngôi nhà (năm 1990), tôi đã dỡ mái ngói móc tây (khoảng 1m2) ở những gian buồng nhà trên và nhà dưới để thay thế bằng tấm ngói bằng nhựa trắng để lấy ánh sáng, tạo vẻ thoáng đãng cho những gian buồng. Toàn bộ khuôn viên nhà trước đây rộng trên 5 ngàn m2 nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 4 ngàn m2, vì gia đình phải bỏ ra 1 ngàn m2 đất để làm đường. Mặt trước ngôi nhà, gia đình xây tường rào bao quanh bằng lưới B40”.

Bà Trần Ngọc Kim Hòa, cháu đời thứ 3 của ông Trần Ngọc Du (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình rất ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn nhà cổ cha ông để lại. Nhà cổ Trần Ngọc Du đã được xếp hạng di tích, từ khi xây dựng đến nay, nhà cổ đã trải qua nhiều đợt tu sửa lớn, nhỏ. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lưu tâm hiện nay là một số hạng mục trong ngôi nhà vốn được bảo tồn nguyên vẹn từ ngày đầu xây dựng đang xuống cấp, hư hỏng. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đầu tư đúng mức mới có thể tiếp tục bảo tồn ngôi nhà một cách lâu dài.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, để bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ trong đời sống hiện đại cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và chủ nhân của ngôi nhà, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Cơ quan hữu trách cần động viên, giúp đỡ, hỗ trợ chủ nhân nhà cổ có phương pháp, kinh nghiệm bảo quản, chống mối mọt. Cần hướng dẫn các đoàn khách du lịch đến tham quan, tăng thêm thu nhập cho các gia đình bằng các dịch vụ. Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều nhà cổ như: Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu), Phú Hội, Phước Thiền (H.Nhơn Trạch)... cần kết hợp với du lịch sinh thái để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả nhất.

Ở Đồng Nai, có nhiều ngôi nhà cổ khá tiêu biểu đến nay vẫn còn giữ được nguyên hiện trạng của thời kỳ mới xây dựng. Cụ thể như: nhà bà Nguyễn Thị Hòa xây dựng năm 1879 (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa); nhà ông Phan Văn Sòi xây dựng trước năm 1900 (xã Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch); nhà ông Nguyễn Văn Hảo xây dựng năm 1916 (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu)… Những ngôi nhà cổ này không chỉ đơn thuần là nơi ở và sinh hoạt hằng ngày của các gia đình mà còn là những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc, xứng đáng để được thưởng ngoạn.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202004/dau-tich-van-hoa-tu-nhung-ngoi-nha-co-2997410/