Đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả: phân công, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị

Trong năm 2019, công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề phân công, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị.

Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), năm 2019, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều mặt công tác. Cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP và BCĐ 389, trong năm qua, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng. Những sơ hở, bất cập trong chính sách xuất nhập khẩu vẫn chưa khắc phục triệt để nên các đối tượng vẫn lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm với số lượng lớn.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy viên BCĐ 389, trong năm 2019, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là vấn đề nóng trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch.

Theo đó, các mặt hàng giả mạo phổ biến bao gồm: Quần áo, giầy dép, hàng tiêu dùng, điện tử viễn thông, thực phẩm; vật tư nông nghiệp; dược phẩm, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, xe máy… Vi phạm chủ yếu là giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm, làng nghề để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.

Hình minh họa

Hình minh họa

Đề cập đến khó khăn, bất cập trong công tác này, ông Trần Hữu Linh cho rằng, vấn đề hàng giả, giả mạo xuất xứ Việt Nam thâm nhập thị trường nội địa (buôn lậu, gian lận thương mại) đã và đang được hợp thức hóa bằng rất nhiều phương thức, phân phối thông qua các kênh tiêu thụ đa dạng, linh hoạt, nhất là qua mạng internet gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm. Đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn. Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ nên khó phát hiện.

Phân công, làm rõ trách nhiệm

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 có sự đóng góp của công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tế tình hình diễn ra chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Thủ tướng đề nghị, cần thống kê đầy đủ để phân tích, đánh giá nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả thời gian tới. Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các tổ chức, phụ trách địa bàn, cần xem xét thực chất sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng.

Năm 2020 là năm có nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, muốn sản xuất được, muốn thị trường trong nước phát triển phải chống buôn lậu, gian lận thương mại tốt. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các ban chỉ đạo tiếp tục bám sát nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trước hết cần tập trung sửa đổi, hoàn thiện thể chế chính sách, công tác phối hợp lực lượng, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc nổi cộm, làm gương, răn đe giáo dục chung.

Thủ tướng lưu ý Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, nhất là hoạt động mua bán người, vận chuyển trái phép ma túy, pháo và các mặt hàng cấm khác; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản qua biên giới trên biển.

Nêu rõ 5 lực lượng có vai trò quan trọng là Công an, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu 5 lực lượng này mà trong sạch, trách nhiệm cao, mưu trí, dũng cảm cùng với sự chỉ đạo tốt của cấp ủy, chính quyền địa phương thì chắc chắn tình hình tội phạm và đặc biệt là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ giảm đi rất nhiều, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn nạn hàng giả hiệu quả hơn trong năm 2020, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai các giải pháp quan trọng.

Tổng cục cũng giao trách nhiệm quản lý địa bàn đến từng Đội/ Cục Quản lý thị trường ở địa phương cũng như trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Tổng cục đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các địa phương phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý, giám sát, đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm của từng cơ quan, tổ chức tại các địa bàn nổi cộm: Quản lý thị trường, công an, chính quyền quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố, thôn, xóm, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, làng nghề, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành nghề tại địa phương.

Cùng với đó, Tổng Cục sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai theo dõi, giám sát, kiểm tra đồng loạt, thường xuyên, đột xuất, xử lý triệt để các cơ sở vi phạm tại các địa bàn nổi cộm. Đồng thời triển khai kế hoạch phòng, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường các giải pháp phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và cơ quan thực thi nhằm chủ động điều tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động...

Minh Duyên

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/dau-tranh-chong-buon-lau-hang-gia-phan-cong-lam-ro-trach-nhiem-cua-tung-don-vi-33767.html