Đấu tranh chống gian lận chuyển giá

Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo cục thuế các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (DN) qua phân tích có rủi ro cao, có thể khai thác thu thêm. Đồng thời tăng cường kiểm tra DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo lỗ lớn liên tục nhiều năm.

Trung tâm giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế).

Nhiều dấu hiệu bất thường

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động chuyển giá là một trong những giải pháp thường xuyên, liên tục của ngành thuế từ năm 2014 đến nay, nhằm kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển giá, báo lỗ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các DN liên doanh, DN nước ngoài.

Trong thực tế, diễn biến hoạt động chuyển giá ở khu vực FDI ngày càng phức tạp. Theo số liệu của Cục Tài chính DN (TCDN - Bộ Tài chính), số lượng DN có vốn nước ngoài chi phối đến hết năm 2016 là 17.493 DN, nhưng chỉ có 12.598 DN nộp báo cáo tài chính (BCTC) với đầy đủ các chỉ tiêu để cơ quan quản lý phân tích, nắm thông tin tình hình hoạt động và “sức khỏe” của DN.

Số liệu phân tích BCTC cho thấy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN FDI năm 2016 ở mức cao, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 16,3% và tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) là 5,82%, nhưng tình trạng DN thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước. Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2016, tỷ lệ DN FDI báo lỗ hằng năm là 44% đến 51%. Đến hết năm 2016, tỷ lệ DN lỗ lũy kế lên đến 61%. Trong khi đó, tốc độ tăng quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế, cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.

Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận DN có vốn FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thời gian miễn thuế, giảm thuế TNDN. Thể hiện qua số liệu về ROE bình quân của DN FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như: linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; viễn thông, phần mềm (ROE trước thuế trên 30%),...

Ngoài ra, còn có hiện tượng chuyển giá giữa các DN FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau. Đơn cử, dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và tại Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao (ROE năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%, năm 2016 là 26% và 49%), trong khi các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng lại có hiệu quả kinh tế thấp.

Thiếu cơ sở để xác định gian lận

Nhìn nhận đúng về chuyển giá và đấu tranh chống gian lận chuyển giá, gây thất thu thuế không chỉ là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Uây-ni Ba-pho, Cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế, Cựu trợ lý Ủy viên Sở Thuế vụ Ô-xtrây-li-a cho biết: Chuyển giá được định nghĩa là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các DN thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những DN độc lập. “Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp”, ông Uây-ni khẳng định.

Ông A-đam Sít-cốp, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận chưa phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch liên kết có thể tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Để đấu tranh với hoạt động gian lận chuyển giá, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xây dựng chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Năm 2017, Việt Nam đã áp dụng các tiêu chuẩn BEPS vào Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế với các DN có giao dịch liên kết, đến nay đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, nhiều chuẩn mực, thông lệ quốc tế áp dụng vào Việt Nam không phải lúc nào cũng phù hợp, cho nên cần có những điều chỉnh để Nghị định 20 tiến sát với những quy định của OECD.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những hạn chế của Việt Nam trong đấu tranh chống gian lận chuyển giá là hệ thống tổ chức thông tin dữ liệu thuế chưa đồng bộ. Hơn nữa, từ việc nhận định DN có dấu hiệu chuyển giá đến việc đưa hành vi này ra ánh sáng là một quá trình khó khăn, đòi hỏi cơ quan thuế phải có dữ liệu về giá thị trường để đối chiếu và đây cũng là vấn đề chúng ta còn gặp nhiều khó khăn.

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thảo luận, nghiên cứu dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sau mười năm thi hành. Theo đó, luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định 20 như: Bổ sung nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế (NNT) có phát sinh giao dịch liên kết; nguyên tắc áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với NNT có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với NNT có phát sinh giao dịch liên kết; quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với NNT có phát sinh giao dịch liên kết… Kỳ vọng khi được Quốc hội thông qua, đây sẽ là công cụ đủ mạnh để cơ quan thuế xử lý DN cố tình trốn thuế qua hình thức chuyển giá.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38284402-dau-tranh-chong-gian-lan-chuyen-gia.html