'Đấu tranh chống in lậu sẽ nóng hơn vào 6 tháng cuối năm'

Nhận định tình trạng in lậu diễn biến phức tạp vào 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị phòng, chống in lậu tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Tại “Hội nghị Tổng kết - tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2020”, diễn ra ngày 17/7 tại Hạ Long, Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định hiện tượng in xuất bản phẩm và các sản phẩm khác không đúng quy định của pháp luật đang có dấu hiệu xuất hiện, gia tăng trở lại.

 Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC.

In lậu đang có dấu hiệu gia tăng

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, trong thời gian ngắn, nhiều tài khoản Facebook, YouTube, website đăng tải, giới thiệu, chào bán công khai các đầu sách với giá thấp hơn nhiều lần so với giá bìa.

Việc này đặt ra nghi vấn liệu các loại sách trên có được in ấn hợp pháp hay không? In tại đâu và do tổ chức, cá nhân nào thực hiện?

Gần đây, Tổ công tác 304 của Tổng cục quản lý thị trường đã phát hiện, thu giữ hàng chục nghìn bản sách có dấu hiệu in lậu, làm giả sách giáo khoa tại Hà Nội. Điều đó cho thấy tính chất khá phức tạp của tình hình in lậu hiện nay.

Nhận định về công tác phòng chống in lậu, ông Hoàng Vĩnh Bảo nói: “6 tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở in sẽ tăng tốc sản xuất, kinh doanh nhằm bù đắp thiệt hại do thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Việc in, phát hành sách giáo khoa chào đón năm học mới cũng được đẩy mạnh. Câu chuyện in lậu và đấu tranh chống in lậu sẽ còn nóng hơn nữa”.

Ảnh chụp tại hiện trường một vụ bắt sách lậu. Ảnh: FN.

Theo dõi in lậu, tăng cường kiểm tra đột xuất

Từ tình hình thực tế, hội nghị đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in nói riêng và hoạt động xuất bản nói chung.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Kiện toàn nhân sự, hoàn thiện quy chế hoạt động, vai trò, trách nhiệm các cơ quan và thành viên liên quan, nhất là vai trò của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục An ninh chính trị nội bộ, Tổng cục Quản lý thị trường.

Đoàn liên ngành giảm các cuộc kiểm tra theo kế hoạch, chuyển sang tăng cường nội dung giám sát, theo dõi, thu thập thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành kiểm tra đột xuất.

Năm 2020, Đoàn liên ngành cần tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ theo chuyên đề, chuyên sâu về phòng chống in lậu, xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan.

Đoàn cần tích cực tổng hợp các đề xuất kiến nghị của các Đội, đưa ra các giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật xuất bản, phát hành nói chung, trong đó có công tác phòng chống in lậu.

Cần nghiên cứu, hình thành đường dây nóng kết nối giữa các thành viên Đoàn liên ngành và giữa Đoàn liên ngành với các đội liên ngành; tạo kênh thông tin thường xuyên, kịp thời hỗ trợ các Đội liên ngành địa phương trong phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường tiến hành thu giữ lượng lớn sách giáo dục có dấu hiệu bị làm giả tại một kho trên phố Thịnh Liệt, Hà Nội. Ảnh: Nhân Dân điện tử.

Đối với các Sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát, lập và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, sở về danh sách các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy, cơ sở phát hành, tạo sự công khai, minh bạch về thông tin đối với đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành.

Điều này sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu in ấn, xuất bản tìm được và lựa chọn những đơn vị, doanh nghiệp in ấn, phát hành hợp pháp, qua đó hạn chế được việc đặt in, phát hành tại các cơ sở hoạt động bất hợp pháp.

Chỉ khi có sự công khai, minh bạch, kịp thời về thông tin mới giúp cho việc hạn chế, ngăn ngừa, đẩy lùi được các đối tượng vi phạm đang hoạt động theo kiểu né tránh, lẩn khuất nhưng gây xáo trộn, rối loạn thị trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các chủ thể tham gia hoạt động in, photocopy, phát hành trên địa bàn về các quy định pháp luật, hành vi bị nghiêm cấm và việc xử phạt các hành vi vi phạm.

Thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các lực lượng thanh tra thông tin và truyền thông, công an, quản lý thị trường… trong tỉnh, thành phố và giữa các tỉnh, thành phố với nhau trong việc phát hiện các vụ việc vi phạm, nhất là các vụ việc phức tạp.

Các Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục kiến nghị để có các giải pháp tăng cường nguồn lực cho các Đội liên ngành tại địa phương, đáp ứng yêu cầu của đấu tranh chống in lậu hiện nay.

Vai trò của các cơ sở xuất bản, in rất quan trọng trong công tác đấu tranh chống in lậu.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu các nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành “thực hiên nghiệm các quy định liên quan hoạt động của đơn vị mình; tích cực hỗ trợ các cơ quan chức năng trong phát hiện cơ sở in ấn, phát hành có dấu hiệu in lậu, làm giả, vi phạm pháp luât; chủ động giải pháp phòng, chống in lậu, đặc biệt phân biệt sách thật, sách giả, sách in lậu”.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-tranh-chong-in-lau-se-nong-hon-vao-6-thang-cuoi-nam-post1108050.html