Đấu tranh không chỉ là kiện

Không chỉ bằng các vụ kiện, cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam còn được tiến hành dưới nhiều hình thức, để gây sức ép buộc chính quyền Mỹ phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Trước đây chính quyền Mỹ không tham gia, thậm chí cứ khi nói đến chuyện này thì họ lại lảng tránh. Nhưng đến giờ họ đã chấp nhận làm nhiều việc, như hoàn thành tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng và tiếp tục tẩy độc ở sân bay Biên Hòa.

Về con người, lúc đầu phía Mỹ cũng bác hoàn toàn. Nhưng đến giờ họ đang từng bước thực hiện các dự án để hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Giai đoạn 2016-2020, Mỹ chi 21 triệu USD để thực hiện dự án ở 6 tỉnh của Việt Nam. Giờ họ đang thực hiện dự án 65 triệu USD cho giai đoạn 2021 - 2025 và mở rộng ra 8 tỉnh. Đó là kết quả rất quan trọng của nỗ lực đấu tranh đòi công lý mà chúng ta đã làm.

Để đạt được kết quả đó, chúng ta đã vận động nhân dân thế giới, các tầng lớp nhân dân và cơ quan chính quyền Mỹ để yêu cầu chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

Chúng ta đã cử những đoàn sang Mỹ, đến tận trụ sở Quốc hội Mỹ để điều trần, gặp gỡ các nghị sĩ của Mỹ để vận động họ ủng hộ yêu cầu chính phủ Mỹ phải giải quyết vấn đề này. Đoàn của Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (VAVA) còn đến trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) để gặp các quan chức của họ. Cơ quan nhà nước của Mỹ không làm việc với các tổ chức phi chính phủ, nhưng họ đã tiếp đón đoàn chúng ta rất cẩn thận.

Các nghị sĩ Mỹ đã trình lên Quốc hội nước này 5 dự luật yêu cầu chính phủ phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với các nạn nhân chất độc da cam, phải đẩy mạnh giải quyết hậu quả của chất độc da cam ở Việt Nam. Dù những dự luật đó chưa được thông qua nhưng số người tham gia đồng bảo trợ ngày càng nhiều, tạo ra áp lực lên Quốc hội Mỹ. Và dù chưa được thông qua, nhưng thực tế chính phủ Mỹ đang làm theo những dự luật đó. Quốc hội Mỹ dành ra một khoản ngân sách hằng năm để Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID thực hiện các dự án hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam.

Hình thức đấu tranh đòi công lý chưa bao giờ dừng lại từ khi VAVA được thành lập đến sau khi vụ kiện lần thứ nhất của chúng ta chưa đạt được kết quả cụ thể. Các hình thức đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân vẫn tiếp tục và đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Ngay tại Việt Nam, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đã nhiều lần tuyên bố, như trong lễ khởi động dự án tẩy độc ở Biên Hòa, rằng sẽ làm việc rất nhiều với VAVA để thực hiện các dự án. Phát biểu của Đại sứ Kritenbrink cho thấy chính phủ Mỹ đã thừa nhận vấn đề.

VAVA vẫn tiếp tục chuẩn bị những vụ kiện. Đặc biệt, VAVA ủng hộ bất kể nạn nhân chất độc da cam nào kiện các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Với trường hợp của bà Nga hay những vụ kiện trước đây của chúng ta, chính phủ Mỹ ban đầu không chấp nhận nhưng sau đó đã có hành động để đáp ứng yêu cầu của các nạn nhân.

PHẠM TRƯƠNG (Trưởng ban Đối ngoại VAVA)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-tranh-khong-chi-la-kien-post1335394.tpo