Đấu tranh mạnh với hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường

Một tuần sau kỳ nghỉ Tết, hàng hóa trên thị trường hết sức dồi dào, phong phú, giá gần như trở về mức bình thường trong năm. Tuy nhiên, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn 'trăm hoa đua nở'. Nhiều trường hợp phải vào viện cấp cứu khi sử dụng phải thuốc chữa bệnh, thực phẩm bị làm giả.

Thực phẩm, thuốc chữa bệnh bị làm giả, làm nhái

Làm việc với Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT), chúng tôi được biết, không chỉ thực phẩm chức năng, mà thuốc chữa bệnh, thuốc tránh thai, ngay cả loại nước muối sinh lý 0,9% cũng bị làm giả. Kiểm tra một cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH dược phẩm Ngân Hà tại thôn Dộc, Bình Đa, Thanh Oai, Hà Nội, Đội QLTT số 11 phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm không thực hiện công bố mỹ phẩm theo quy định, sản xuất mỹ phẩm có gắn nhãn hàng hóa giả mạo tên thương nhân. Công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) 80 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 7.944 chai nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% 500ml.

Lực lượng chức năng tiêu hủy thực phẩm, đồ uống giả. Ảnh CTV.

Trước đó, một vụ kinh doanh thuốc tránh thai vi phạm cũng gây xôn xao dư luận khi Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 83A Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội thuộc Công ty TNHH Thiết bị và Vật tư y tế Dongkuk, đã tạm giữ 189.000 vỉ thuốc uống tránh thai Welchoice có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu do công ty thu hồi về, trị giá hàng hóa 718,2 triệu đồng.

UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt VPHC 450 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thiết bị và Vật tư y tế Dongkuk về hành vi bán, tàng trữ, trưng bày để bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; đình chỉ 2 tháng hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm (thuốc uống tránh thai Welchoice)...

Khoảng 10 năm nay, mặt hàng mì chính trên thị trường Việt Nam bị làm giả nhiều nhất, không chỉ sản xuất cả mì chính và vỏ bao bì ở nước ngoài, mà mì chính còn được sản xuất giả trong nước. Từ năm 2018 đến nay, trên thị trường xuất hiện nhiều bột canh I ốt Hải Châu, Krorr giả nhãn hiệu.

Điển hình, Đội QLTT số 1 phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng hóa trước cửa số 70 Thiên Đức, Gia Lâm, đã thu được 16 bao tải chứa cả nghìn kilôgam vỏ bao bì các loại gồm bột canh I ốt Hải Châu, mì chính Ajinomoto, Knorr… Không chỉ vậy, QLTT Hà Nội còn thu được lô hàng gồm 18.142 tuýp kem đánh răng Sensodyne 100ml, 75ml, 1.008 tuýp kem đánh răng Colgate 100ml giả.

Theo Cục QLTT Hà Nội, tháng 1-2019, Cục đã chỉ đạo các đội thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, qua đó đã từng bước kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thủ đô.

Xử lý không xuể

Sau Tết, nhiều cửa hàng mở cửa đã tung ra các chương trình khuyến mãi đầu xuân để kích cầu tiêu dùng. Mặt hàng khuyến mãi nhiều là quần áo, mỹ phẩm, bếp từ… và đây cũng là những mặt hàng dễ làm giả nhất. Nhiều siêu thị bếp, cửa hàng kinh doanh bếp quảng cáo rầm rộ, bếp nhập khẩu từ Đức, Mỹ và một số nước châu Âu. Nhưng theo cảnh báo thì bếp nhập lậu, bếp giả, bếp nhái đang xuất hiện trên thị trường rất khó phân biệt, người tiêu dùng hết sức cảnh giác.

Thực phẩm, đồ uống giả bị tịch thu, tiêu hủy.

Theo Cục QLTT, tháng 1-2019, các đội QLTT chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 224 vụ hàng vi giả, hàng vi phạm SHTT, phạt hành chính trên 1,8 tỷ đồng. Điển hình, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an quận Đống Đa kiểm tra cơ sở kinh doanh bếp thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp An Trường Thịnh (Công ty Trường An Thịnh), phát hiện Công ty đang bày bán 354 chiếc bếp từ đôi có nhãn chữ ARBER in trên thân bếp và phần chính giữa phía cuối trên mặt kính bếp, có nhãn chữ SCHOTT in ở phần góc trái phía trên mặt kính bếp, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu SCHOTT đã được bảo hộ.

Ngày 4-1-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt VPHC đối với Công ty An Trường Thịnh về hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền 432 triệu đồng, buộc Công ty tiêu hủy toàn bộ 354 chiếc mặt kính bếp từ đôi có in nhãn chữ SCHOTT là hàng giả mạo nhãn hiệu SCHOTT.

Trước đó, Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Việt Nam – Đức (số 1283 Giải Phóng, quận Hoàng Mai) đã bị lực lượng kiểm tra liên ngành TP Hà Nội tạm giữ 250 chiếc bếp do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu giả mạo tên và địa chỉ của Công ty ROMMELSBCHER ElektroHausgerate GmbH có địa chỉ tại Rodolf - Schmidt - StraBe 18 91550 Dinkelsbuhl Germany. Công ty này đã bị xử phạt 45 triệu đồng về hành vi bán hàng hóa có nhãn giả mạo tên, địa chỉ thương nhân.

Cục QLTT Hà Nội cho biết, hàng giả, hàng vi phạm SHTT được một số cơ sở trong nước sản xuất bằng cách mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác giả các thương hiệu sau đó làm hàng, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm SHTT còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu. Đặc biệt là các loại hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng như: quần áo, giày dép nhãn hiệu Nike, Adidas, Lacoste...; hàng thời trang Louis Vuitton, Gucci...; nước hoa, hóa mỹ phẩm Lancome, điện thoại di động.... được đặt làm giả từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) rồi nhập lậu đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Theo Cục QLTT, năm 2018 đã phối hợp kiểm tra, xử lý 1.535 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT, phạt hành chính 14,481 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 14,001 tỷ đồng. Điển hình đã chuyển Công an quận Nam Từ Liêm xử lý vụ cửa hàng “F.O.V thời trang xuất khẩu” (B001 the Manor, khu đô thị Mỹ Đình) kinh doanh 2.842 chiếc quần, áo có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 1,9 tỷ đồng.

Tuy số vụ kiểm tra, xử lý năm 2018 và tháng 1-2019 nhiều, nhưng hàng giả, hàng vi phạm SHTT trên thị trường Hà Nội còn rất nhiều, nhất là mỹ phẩm, quần áo,... Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT cần phải được cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt và mạnh tay hơn nữa.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/hang-gia-hang-nhai-tran-lan-tren-thi-truong-533290/