Đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái về việc lấy phiếu tín nhiệm trong công tác cán bộ của Đảng

Ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế cho Quy định 262-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Quy định này không chỉ có ý nghĩa tham khảo, góp phần vào đánh giá cán bộ mà kết quả có giá trị trực tiếp vào công tác đánh giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đây cũng là cơ sở trực tiếp cho quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới. Thế nhưng, các lực lượng “khoác áo dân chủ” tìm cách chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối, coi đây là một tiêu điểm để xuyên tạc đường lối, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.

NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỆU CHỐNG PHÁ

Ngay sau khi Quy định số 96-QĐ/TW được ban hành, trang RFA có một loạt bài chống phá quan điểm lấy phiếu tín nhiệm của Đảng như phức tạp hóa vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, vì sao?; Quốc hội đánh giá tín nhiệm, có thể tham khảo ý kiến của người dân như lời của Thủ tướng?; Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm: Nên hay không?; Đảng thừa nhận không đoàn kết?; Lấy phiếu tín nhiệm: Chiêu trò mị dân?... Hầu hết các bài viết và các video của các thế lực phản động, thù địch dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, để phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Trong bài viết “Lấy phiếu tín nhiệm: Chiêu trò mị dân”, đăng vào ngày 9-2-2023 của Đài Châu Á Tự do cho rằng mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là chiêu trò mị dân, chỉ là việc của Đảng và những đảng viên trong Đảng không liên quan tới nhân dân để nhằm mục tiêu loại trừ lẫn nhau, thanh toán các thế lực, phe cánh, nhóm phái đối lập trong Đảng, để xử lý các phần tử không theo hệ thống chung, từ đó cho thấy Đảng không tin vào chính mình và Đảng toàn trị nhưng không đủ năng lực cầm quyền hay Đảng làm lu mờ và vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.

Trong một bài cùng nội dung, trang RFA còn “khuyên” rằng Đảng cần làm công tác cán bộ triệt để hơn và đó phải là việc của toàn dân. Thực chất luận điệu nêu trên không chỉ nhằm xuyên tạc mục tiêu của Quy định số 96-QĐ/TW của Đảng, mà qua đó âm mưu sâu xa, nham hiểm của chúng là làm xói mòn, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Việc các thế lực thù địch ra sức phủ nhận lịch sử, công kích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh vào các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng nhằm chia rẽ nội bộ khi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là việc thanh trừng, xử lý các sinh mệnh chính trị thoái hóa không trung thành, không đơn thuần là việc xây dựng Đảng mà là việc loại trừ phần tử phe cánh, nội bộ trong Đảng.

Thông qua việc viện dẫn các ý kiến, quan điểm từ các danh xưng nhà dân chủ, nhà báo tự do việc bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng được cụ thể hóa bằng cách lấy diễn đàn dân chủ ở nước ngoài để lên tiếng tố cáo và phản bác các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng, như càng chống tham nhũng thì tham những càng nhiều; kết quả người có phiếu tín nhiệm cao thì tỷ lệ thuận với danh sách những người bị kỷ luật trong Đảng; bỏ phiếu tín nhiệm mang màu áo dân chủ trong Đảng chỉ vì Đảng làm chủ cuộc cách mạng này, công việc chỉ có đảng viên tham gia... Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền”; “Đảng không nên giữ vai trò lãnh đạo, không nên và không thể lãnh đạo tuyệt đối”; “phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì đất nước mới phát triển”...

Đây không phải là một điều mới mẻ trong các luận điệu chống phá Đảng của các thế lực phản động. Tuy nhiên, trước mỗi quyết định của Đảng có tính xây dựng tổ chức Đảng, nhất là công tác cán bộ thì chúng luôn lấy việc bài xích chủ trương, đường lối của Đảng và tìm mọi cách, tận dụng mọi thời cơ, mọi sự kiện trong công tác cán bộ để lồng vào đó thông điệp bôi bẩn, suy diễn, sặc mùi chống phá làm mất uy tín và niềm tin vào Đảng.

THỂ HIỆN TÍNH ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để thực hiện tốt hơn các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác để hoàn thiện bản thân, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí thành viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW và Kế hoạch số 16-KH/TW của Bộ Chính trị, đồng thời là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình của Đảng.

Từ khoa học lý luận đến thực tiễn cách mạng đã trải qua chứng minh trong học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta cho thấy công tác tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tự phê bình và phê bình là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc xây dựng Đảng vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền, lãnh đạo xây dựng đất nước thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong chiều dài lãnh đạo các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ dân chủ trong Đảng, là ý thức trách nhiệm của Đảng với nhân dân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc tiêu cực, tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã được Đảng ta chỉ ra trong thời gian qua là do tự phê bình và phê bình trong nội bộ ít được quan tâm, tính chiến đấu trong sinh hoạt không được đề cao. Nhiều trường hợp “mũ ni che tai”, thờ ơ, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, tổ chức Đảng yếu kém không phát huy được vai trò lãnh đạo của mình.

Do đó, từ thành công của việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII đã cho thấy Đảng ta luôn tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ. Đây là “hòn đá thử vàng” đối với mỗi đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng; đồng thời cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác cán bộ.

Trước những luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng từ các thế lực phản động, thù địch, chúng ta đấu tranh bác bỏ bằng những luận cứ thật sự khoa học để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chúng; đồng thời, để không phụ lòng của nhân dân đã gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch trước hết phải xuất phát từ luận điểm khách quan, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản trong tiến trình cách mạng.

Quy định 96-QĐ/TW khẳng định tính đúng đắn trong việc đấu tranh bảo vệ vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là chính đáng, chính nghĩa và phù hợp với nguyện vọng, sự tin tưởng của nhân dân. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cao, luôn hết lòng vì nước, vì dân… luôn là mục tiêu, quyết tâm lãnh đạo của Đảng ta. Đó cũng chính là minh chứng thuyết phục nhất, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua.

Theo tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/dau-tranh-phan-bac-luan-dieu-sai-trai-ve-viec-lay-phieu-tin-nhiem-trong-cong-tac-can-bo-cua-dang-16395.html