Đấu tranh với nạn 'cát tặc' ở Thanh Hóa

Thanh Hóa có hơn 100 điểm mỏ cát trên tuyến sông Chu và sông Mã. Tài nguyên cát được quản lý, khai thác theo hướng hiệu quả, song những vụ việc khai thác cát trái phép vẫn nảy sinh. Gần đây, người dân xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa đã lập chốt bảo vệ đất, hoa màu và có thái độ quyết liệt khi nghi ngờ lực lượng chức năng chưa kiên quyết đấu tranh với 'cát tặc'.

Nêu cao trách nhiệm thực thi công vụ

Xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa có 40 ha đất bãi bên bờ hữu sông Chu chuyên trồng dâu, nuôi tằm và cây hoa màu các loại. Tại khu vực này, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, làm sạt lở bãi bồi ven sông. Trên sông Chu, tại xã Thiệu Đô, có mỏ cát số 3 được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho doanh nghiệp Sơn Đào khai thác nhưng đã hết hạn vào ngày 29-3. Gần đây, tình trạng lén lút hút cát trên sông Chu càng gia tăng. Ngoài hai chốt canh gác gồm 13 người do lãnh đạo HĐND, UBND xã phụ trách giám sát hoạt động khai thác cát, đấu tranh với “cát tặc”, người dân địa phương còn thành lập chốt, thay phiên nhau canh gác, đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Chu, bảo vệ bãi bồi trồng hoa màu.

Tối 8-4, người dân thôn 7, xã Thiệu Đô đã ra bờ sông đấu tranh với hành vi khai thác cát trái phép, ném gạch đá về phía các tàu hút cát trộm. Khi tiếp cận các tàu này, người dân gặp ông Hoàng Bình Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cùng công an xã có mặt trên phương tiện khai thác cát trộm. Nghi nhóm cán bộ này không kiên quyết trấn áp, bắt giữ các tàu hút cát trái phép, người dân có phản ứng quyết liệt, yêu cầu làm rõ: có hay không hiện tượng tiếp tay cho "cát tặc" của lực lượng chức năng.

Huyện Thiệu Hóa đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Thiệu Đô, ổn định tình hình địa bàn; đình chỉ công tác 10 ngày đối với ông Hoàng Bình Thủy để phục vụ công tác xác minh, làm rõ phản ánh của nhân dân: “Không giữ tàu thuyền vi phạm, xử phạt các tàu khai thác cát trái phép không giao quyết định trước khi xử phạt, không có hóa đơn thu tiền phạt tàu khai thác cát trái phép tại sông Chu, thuộc địa bàn xã Thiệu Đô”. Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cũng đình chỉ công tác đối với bốn công an viên để làm rõ nội dung nêu trên.

Làm việc với đồng chí Hoàng Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Đô, chúng tôi ghi nhận được, lực lượng tại địa bàn đã có nhiều cố gắng trong quản lý tài nguyên, giám sát hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp được cấp phép, đấu tranh với nạn khai thác cát trộm, kinh doanh cát trái phép. Mỗi năm ngân sách xã chi gần 50 triệu đồng để thực hiện chính sách phụ cấp đối với công an viên được HĐND xã thông qua; hỗ trợ 185 triệu đồng cho hoạt động bảo vệ, chống khai thác cát trái phép, xây dựng, sửa chữa lều lán, phương tiện, mua xăng, dầu.

Ông Lê Văn Duy, Trưởng Công xã cho biết: năm 2017, lực lượng chức năng đã tham mưu cho lãnh đạo xã Thiệu Đô xử phạt hành chính hơn 45 triệu đồng; buộc doanh nghiệp khai thác cát hỗ trợ, bồi thường 370 triệu đồng khắc phục sạt lở bãi bồi ven sông. Những tháng đầu năm nay, lãnh đạo xã Thiệu Đô ban hành quyết định xử lý hành chính gần 30 triệu đồng đối với hơn 10 vụ khai thác cát trái phép. Người dân địa phương cùng tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên, kiên quyết đấu tranh với hành vi khai thác trái phép, giám sát lực lượng thực thi công vụ.

Huyện Thiệu Hóa thành lập hai tổ liên ngành tăng cường tuần tra, xử lý lãnh đạo, công an các xã, thị trấn không thực hiện nhiệm vụ, các tàu thuyền, doanh nghiệp vi phạm về quản lý khai thác cát. Chủ tịch huyện trực tiếp kiểm tra quá trình thực thi công vụ của hai tổ liên ngành; chỉ đạo các xã tăng cường quản lý, có giải pháp đồng bộ chấm dứt hoạt động khai thác cát ngoài mỏ, ngoài khung giờ quy định, khai thác vượt công suất cho phép, quá số lượng tàu đăng ký trong phương án khai thác, làm sạt lở đất của nhân dân.

Hiện, Công an huyện đang chủ trì, phối hợp UBND các xã, thị trấn có tuyến sông Chu, sông Mã chảy qua rà soát, quản lý tàu thuyền, nắm tình hình, tuần tra, giám sát, tập trung khu vực giáp ranh vào ban đêm, ngày nghỉ; chủ động phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát; khởi tố hình sự vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Ông Lê Thêm Hạnh (thôn 7, xã Thiệu Đô) bức xúc phản ánh, việc khai thác cát trái phép làm sạt lở đất canh tác của gia đình.

Phối hợp quản lý tài nguyên cát, sỏi hiệu quả

Thanh Hóa có 105 mỏ cát, trữ lượng 20 triệu m3 cát. Thời gian qua, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác 39 mỏ, hiện 22 mỏ còn hạn khai thác hơn 660 nghìn m3 cát/năm. Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, ông Phạm Văn Hoành cho rằng, phần lớn các mỏ được đấu thầu, cấp quyền khai thác cát nên lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực tổ chức hoạt động khai thác, kinh doanh cát. Tài nguyên cũng được bảo vệ tốt hơn nếu có chủ sở hữu trực tiếp, giúp tăng thu ngân sách nhà nước. Một số địa phương thí điểm lắp đặt camera giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển cát, phục vụ quản lý tài nguyên, đánh giá sát số lượng khai thác cát để thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Cuối năm 2017, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện bốn doanh nghiệp chưa cắm mốc giới mỏ, sáu doanh nghiệp đã cắm mốc giới mỏ nhưng thả phao chưa đúng quy định cho nên buộc tạm dừng hoạt động khai thác cát để khắc phục theo hướng dẫn của ngành giao thông vận tải.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng nghìn người sinh sống trên sông, mưu sinh chủ yếu từ hoạt động vận tải, khai thác cát, sỏi và doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát mới thu hút được hơn 200 tàu, thuyền gia khai thác, vận chuyển cát cho doanh nghiệp. Trên các tuyến sông, vẫn tồn tại hoạt động khai thác cát trái phép và đối tượng chủ yếu là dân chài, xã hội đen sử dụng phương tiện chưa có biển kiểm soát thực hiện hành vi khai thác cát trái phép. Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin thêm: đồng bào sinh sống trên sông chủ yếu là dân chài nghèo, trình độ văn hóa thấp, tự mua, đặt đóng tàu ở các cơ sở dân doanh cho nên nhiều phương tiện không có hồ sơ thiết kế, chưa đăng kiểm.

Năm 2017, Cảnh sát đường thủy lập biên bản phạt hơn 700 triệu đồng đối với hơn 300 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Riêng trong tháng 3-2018, qua tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát đường thủy xử phạt hơn 300 triệu đồng đối với gần 100 trường hợp. Ngoài ra, Cảnh sát đường thủy còn tham mưu xử phạt mức tối đa đối với phương tiện khai thác cát trái phép. Gần đây, Sở Giao thông - Vận tải phối hợp Chi cục đăng kiểm số 12, các địa phương cấp hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình cho 369 phương tiện. Đến nay, các cơ quan chức năng đã làm thủ tục đăng kiểm cho 265 phương tiện, trong đó đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 85 phương tiện, còn 180 phương tiện chưa cấp được hồ sơ đăng kiểm do chủ phương tiện chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định, nộp kinh phí đăng kiểm. Trong 85 phương tiện đã được cấp đăng kiểm, chỉ có 13 phương tiện được cấp đăng ký, còn lại chưa có cơ sở tính thuế trước bạ.

Tỉnh Thanh Hóa còn chỉ đạo các nhà thầu không sử dụng cát đạt quy chuẩn xây dựng để san nền. Sở Tài nguyên - Môi trường đang nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các chủ mỏ cát, sỏi chỉ ký hợp đồng vận chuyển cát, sỏi với các chủ phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm và khi thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác mỏ, yêu cầu các đơn vị phải đăng ký số lượng tàu, thuyền đã đăng kiểm, đăng ký tham gia khai thác, vận chuyển cát, sỏi. Dù vậy, quản lý tài nguyên liên quan đến nhiều ngành, địa phương, đòi hỏi sự phối hợp công tác trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả.

Lực lượng chức năng tuần tra trên sông Chu.

Hiện, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chính quyền cấp xã, phường tạo thuận lợi xác nhận quyền sở hữu tài sản cho các chủ phương tiện thủy nội địa. Cục thuế chủ trì phối hợp Sở Tài chính, các đơn vị liên quan xây dựng khung giá tính thuế trước bạ cho các phương tiện thủy nội địa không có hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng đóng mới phương tiện, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện; chỉ đạo các chi cục thuế tạo điều kiện để chủ sử hữu nộp thuế trước bạ cho phương tiện. Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục phối hợp Chi cục đăng kiểm số 12 vận dụng, tạo mọi điều kiện để kiểm tra, cấp hồ sơ đăng kiểm, đăng ký, đôn đốc các đơn vị thực hiện đăng kiểm, đăng ký các phương tiện đường thủy nội địa.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chính quyền các cấp yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết, có thời gian cụ thể thực hiện đăng kiểm, đăng ký phương tiện; ra quân xử lý các phương tiện thủy nội địa không đăng kiểm, đăng ký đang hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến sông, kênh. Trong khi chờ phê quyệt điều chỉnh, bổ sung vị trí xây dựng bến tạm giữ phương tiện tại Km 21+00 đến Km 22+500 trên sông Mã, thuộc xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải nội địa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; âu trú bão ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn được bố trí tạm giữ phương tiện thủy nội địa vi phạm chờ xử lý.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/36096102-dau-tranh-voi-nan-cat-tac-o-thanh-hoa.html