Đầu tư 1.200 tỉ đồng bảo vệ môi trường vùng khó khăn, biên giới, hải đảo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Quyết định thành lập tổ công tác liên ngành triển khai Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020.

Do chưa có điểm cấp nước tập trung, người dân bản Hua Sin 1, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tự trang bị các thùng chứa nước cho gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Tổ công tác bao gồm 13 thành viên là cán bộ của các cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường; Bộ Khoa học - Công nghệ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ. Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện Đề án 712.

Đề án 712 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26-5-2017 với nhiệm vụ xây dựng 14 mô hình về cấp nước sạch nông thôn và 14 mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn quy mô liên xã (tại 7 vùng kinh tế trong cả nước) để thí điểm các nội dung theo phương châm đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng, gồm: Cơ chế huy động vốn đầu tư, chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; phương thức quản lý trước và sau đầu tư cho phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội; lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp khi xây dựng mô hình... Xây dựng mô hình cấp nước uống cho trường học, trạm y tế tại các xã đảo (đối với những nơi chưa có mô hình).

Đề án cũng có nhiệm vụ xây dựng 7 mô hình mới về thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và 7 mô hình về thu gom xử lý chất thải chăn nuôi lợn theo hướng ép thành phân hữu cơ để bán ra thị trường (tại 7 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước) để thí điểm.

Các cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì xây dựng 30 mô hình tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp xã.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 1.200 tỉ đồng. Trong đó, dự kiến ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư 490 tỉ đồng (41%); vốn tín dụng 450 tỉ đồng (38%); vốn đóng góp của doanh nghiệp 200 tỉ đồng (16%); phần còn lại huy động từ sự đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư và các nguồn hỗ trợ khác.

N.B

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dau-tu-1-200-ti-dong-bao-ve-moi-truong-vung-kho-khan-bien-gioi-hai-dao/