Đầu tư 90 tỷ xây nhà máy nước sạch: Dân vẫn 'khát', nước có giun đỏ

Dù được đầu tư 90 tỷ đồng nhưng từ nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam vẫn phải mua nước sạch và sử dụng nước mưa, nước giếng khoan để dùng vì nguồn nước của nhà máy nước sạch xã Đồng Du vô cùng kém chất lượng.

Mất tiền mua nước sạch nhưng phải dùng nước “bẩn”

Cuối năm 2013, người dân 5 xã: Đồng Du, Tràng An, Bình Nghĩa, Đồn Xá, An Mỹ của huyện Bình Lục vô cùng vui mừng khi được UBND tỉnh Hà Nam xây dựng nhà máy cấp nước sạch tại xã Đồng Du với công suất 4.500m3 mỗi ngày đêm với tổng kinh phí 90 tỷ đồng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư đến năm 2016 thì dự án này chính thức đi vào động.

Khi dự án đi vào hoạt động, người dân hứng khởi, bảo nhau bỏ nước mưa, lấp giếng khoan để dùng nước sạch.

Vui mừng chẳng được bao lâu thì theo phản ánh của các hộ dân với phóng viên báo Đời sống & Pháp luật, “nước sạch” mà họ đang phải bỏ tiền mua của nhà máy nước sạch xã Đồng Du cung cấp thường xuyên có vấn đề. Nước có màu vàng bất thường, lắng cặn thậm chí có thời điểm xuất hiện cả giun đỏ… khiến người dân địa phương khi sử dụng nước sạch vô cùng hoang mang.

Ông Phạm Văn B. một người dân sống tại thôn An Bài, xã Đồng Du huyện Bình Lục cho biết từ lúc nhà máy hoàn thiện và đi vào hoạt động đến nay chất lượng nước rất kém, các hộ vẫn phải thường xuyên sử nước mưa và nước giếng khoan.

“Khu vực nhà tôi dùng nước sạch từ cuối năm 2016. Nhưng từ khi sử dụng, những ngày nước gọi tạm là “sạch” thì rất hiếm hoi. Có những hôm nước bơm lên màu đục như nước sông, thậm chí có thời điểm còn xuất hiện cả cả giun đỏ.”

Cũng theo ông B nước sạch nhưng lại không được sạch như tên gọi vì thế nên không ai dùng nước này để ăn uống mà chỉ dùng để rửa chân tay, giặt giũ, cho lợn ăn…

 "Nước sạch" có màu vàng khác thường.

"Nước sạch" có màu vàng khác thường.

Chị N người dân sống tại xóm 4 xã Tràng An chia sẻ rằng, nước nhà máy được lấy từ sông lên nhưng công nghệ xử lý quá kém nên nhiều lúc nước sạch nhà máy Đồng Du cung cấp không khác gì nước sông chưa xử lý.

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên đã mục sở thị khu vực nhà máy nước sạch Đồng Du. Theo quan sát thì toàn bộ nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch đều được lấy từ sông Châu Giang khu vực nước ở đó vô cùng ô nhiễm, các hệ thống nước thải sinh hoạt, chăn nuôi được các hộ dân đổ thẳng ra sông ngay cạnh vị trí nhà máy lấy nước. Thậm chí xác động vật như lợn gà chết trôi nổi khắp mặt sông vô cùng ô nhiễm. Thật khó có thể tin nguồn nước ô nhiễm như vậy lại được lấy làm nguyên liệu để sản xuất nước sạch cung cấp cho các hộ dân.

Tiếp tục đi vào trong nhà máy, thì thấy các trang thiết bị và máy móc ở đây đều bằng cảm quan mắt thường thì thấy không đảm bảo vệ sinh. Khu vực chứa nước xuất hiện rất nhiều rong rêu. Các thiết bị sản xuất của nhà máy thì có vẻ rất lâu không được các nhân viên ở đây vệ sinh…

Khu vực bên trong nhà máy cảm quan bằng mắt thường đều không đảm bảo vệ sinh

Nhà máy 90 tỷ liệu có tương xứng…

Một nhà máy được đầu tư 90 tỷ đồng tuy nhiên chất lượng lại rất kém. Lý giải cho vấn đề này đại diện nhà máy nước sạch Đồng Du xã Đồng Du huyện Bình Lục cho biết: Toàn bộ việc thi công, cũng như các trang thiết bị của nhà máy đều do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nam) xây dựng và mua sắm còn đơn vị chỉ đứng ra tiếp quản công trình này. Chính vì không trực tiếp xây dựng nhà máy nên đơn vị cũng không biết giá trị thực của nhà máy này là bao nhiêu và nhà máy sử dụng công nghệ gì để sản xuất nước sạch.

Còn nguyên nhân khiến chất lượng nước kém không đạt tiêu chuẩn là do nguồn nước nguyên liệu đầu vào được lấy từ sông Châu Giang mà hiện nay con sông này rất ô nhiễm chính vì vậy chất lượng nước cung cấp cho các hộ dân mới không đảm bảo.

“Mỗi đợt nước sông ô nhiễm nhà máy đều tăng lượng hóa chất để xử lý, đồng thời cũng hạn chế bơm nước để sử dụng tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, công ty cũng không muốn tiếp quản nhà máy này nữa mà muốn bàn giao lại cho tỉnh Hà Nam quản lý và vận hành” đại diện nhà máy nước sạch Đồng Du cho biết thêm

Còn theo ông Tạ Quang Thắng - Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nam) đơn vị chủ đầu tư nhà máy nước sạch Đồng Du cho biết: Để xử lý tình trạng này nhà máy sẽ tốn thêm kinh phí vận hành, với giá thành bán nước khoảng 6 nghìn/m3 như hiện nay thì sẽ khó có thể xử lý được. Để đảm bảo nước sạch đúng theo tiêu chuẩn thì các nhà máy phải nâng giá thành khoảng 12 nghìn đồng/m3 mới làm được. Khi phóng viên đề cập đến việc chủ đầu tư khi xây dựng đã mua máy móc kém chất lượng không tương xứng với số tiền 90 tỷ đầu tư khiến nhà máy nước sạch này vận hành kém hiệu quả, ông Thắng từ chối trả lời và không cung cấp thông tin cho phóng viên.

Việc một nhà máy nước sạch được đầu hàng chục tỷ đồng nhưng từ khi vào hoạt động đến nay lại cho ra chất lượng rất kém. Dư luận và người dân địa phương vô cùng hoài nghi về số tiền bỏ ra xây dựng nhà máy có tương xứng đúng với giá trị thực của nó. Cùng với đó là việc khảo sát và lập dự án xây dựng nhà máy này ngay khu vực sông ô nhiễm liệu có khả thi.

Được biết nhà máy nước sạch xã Đồng Du được Ngân hàng thế giới ( WB) tài trợ. Theo nguồn kinh phí này nhà nước sẽ hỗ trợ 60% tiền xây dựng dự án, 30% doanh nghiệp tự bỏ và 10% là tiền người dân đóng góp.

Để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân cũng như sự minh bạch về đầu tư dự án rất cần các cấp, các ngành của tỉnh Hà Nam vào cuộc và làm rõ.

Báo Đời sống v& Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin phản ánh!

Huy Quang – Tuấn Nguyễn

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/ha-nam-nha-may-nuoc-sach-90-ty-nguoi-dan-van-khat-nuoc-a252728.html