Đầu tư cho ĐH quốc gia chưa tương xứng ?

Có ý kiến cho rằng các mô hình ĐH quốc gia và ĐH vùng chưa được như kỳ vọng, trước hết là do những vướng mắc về chính sách, quan điểm chỉ đạo không nhất quán.

Theo GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, đến thời điểm này chưa có bất kỳ một đánh giá toàn diện nào về mô hình ĐH quốc gia, ĐH vùng. Các đánh giá có vẻ như nghiêng về cảm tính, dựa vào ý kiến của dư luận xã hội nhiều hơn. Trong khi đó, khi đánh giá một mô hình cần phải dựa vào những tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn, sau ngần ấy năm nó phát triển thế nào, có tương xứng với các chi phí xã hội, chi phí đầu tư của nhà nước cho mô hình đó không? ĐH được giao những nhiệm vụ chính trị lớn thì đánh giá phải bao gồm cả hiệu ứng xã hội, giá trị, vị thế giáo dục trong mắt của bạn bè quốc tế.

GS Nguyễn Quý Thanh bình luận: “Tôi cũng nhận thấy các mô hình ĐH đó chưa được như kỳ vọng, mà nguyên nhân trước hết phải kể đến là những vướng mắc về chính sách. Quan điểm chỉ đạo không nhất quán, chẳng hạn có chủ trương cần phải xây dựng các ĐH đó thành các ĐH đầu tàu, nhưng cách thức thực hiện quan điểm chỉ đạo đó không nhất quán, nên có lúc đầu tàu, có lúc giữa tàu, có lúc ở đâu đó trong đoàn tàu, thậm chí có lúc còn nói rằng không cần đến mô hình đó nữa. Với ĐH vùng, nếu không có Thông tư 08 (thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH vùng và các trường ĐH thành viên, ban hành vào tháng 3.2014) thì nó tuy có vấn đề nhưng vẫn ổn. Chính Thông tư 08 lại làm cho nó vướng, khiến cho quản lý trở nên chồng chéo”.

Một vướng mắc khác, theo GS Thanh là việc đầu tư cho mô hình ĐH vùng, ĐH quốc gia không tương ứng với kỳ vọng. Thực tế các ĐH vùng, ĐH quốc gia không được đầu tư nhiều hơn các trường ĐH bình thường khác, trong khi vì phải đóng vai “đầu tàu” mà mô hình ĐH quốc gia phải giữ tỷ lệ giảng viên/sinh viên ở mức rất thấp so với các trường khác, và không dám tăng quy mô vì cần phải giữ chất lượng. Chẳng hạn, ĐH Quốc gia Hà Nội phải giữ tỷ lệ 1 giảng viên/15 sinh viên, trong khi các trường ngoài có những trường 1/70, 1/80.

“Việc thực hiện chủ trương không nhất quán, đầu tư không tương ứng với kỳ vọng, giờ lại đánh giá là mô hình đó không hiệu quả, là không thỏa đáng. Vì thế, với việc mô hình ĐH vùng, ĐH quốc gia chưa như kỳ vọng thì cần phải xem lại nguyên nhân tại sao lại thế chứ không phải bản thân mô hình đó. Phải xem lại trong giai đoạn lịch sử cần thiết chúng ta đã tháo các cơ chế để nó được cạnh tranh lành mạnh hay chưa chứ bây giờ mới nghĩ tới việc “tháo” cho nó là đã muộn”, GS Thanh nói.

Quý Hiên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/dau-tu-cho-dh-quoc-gia-chua-tuong-xung-1022391.html