Đầu tư cho giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Đó là khẳng định của Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020 (Nghị quyết 37), do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 16/10.

Diện mạo giao thông các tỉnh trung du, miền núi Bắc bộ được cải thiện

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, Bộ GTVT đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng GTVT; vận tải và an toàn giao thông (ATGT).

Cụ thể, về công tác quy hoạch, Bộ GTVT trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để tạo điều kiện phát huy lợi thế của vùng trung du miền núi phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bộ GTVT đã lập, điều chỉnh quy hoạch GTVT 5 chuyên ngành (đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không) đảm bảo phù họp với các chiến lược điều chỉnh.

Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị

Đáng chú ý, về đường bộ, các tuyến đường cao tốc đề ra trong nghị quyết đã cơ bản được đầu tư; tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang khai thác là 354km. Với hệ thống quốc lộ, đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2, 3, 6, 32 đạt tiêu chuẩn đường cấp III các đoạn có lưu lượng xe lớn, cấp IV các đoạn lưu lượng xe thấp; đầu tư cơ bản thông tuyến đường Hồ Chí Minh đến Cao Bằng; từng bước đầu tư các tuyến quốc lộ 4A, 4B, 4C, 4D, 4E, 46, 34, 37, 279 và các tuyến đường đến cửa khẩu.

Đến nay, các chiến lược, quy hoạch chuyên ngành GTVT để thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết 37 đã được Bộ GTVT triển khai thực hiện hoàn thành, làm cơ sở từng bước thực hiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng nói riêng, cả nước nói chung. “Hệ thống quy hoạch GTVT trong vùng đã bảo đảm gắn kết không gian kinh tế liên hoàn, bổ trợ cho nhau nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng tỉnh, thành phố trong vùng; coi trọng sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Các quy hoạch đã dự kiến các dự án ưu tiên đầu tư theo từng thời kỳ, có các giải pháp triển khai thực hiện, phương thức huy động vốn” - lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ.

Về kết cấu hạ tầng GTVT, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và các địa phương trong điều kiện cân đối, bố trí vốn trong giai đoạn 2011-2020 khoảng 31.884 tỷ đồng (tương đương 7% tổng mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của ngành giao thông), các mục tiêu về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đặt ra trong Nghị quyết đến nay đã hoàn thành.

Với báo cáo của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Điều này thể hiện ở ba phương diện chính: sự kết nối các tỉnh trong vùng với các vùng khác của cả nước thông qua các đường quốc lộ; giao thông nông thôn; đường biên giới dài, cần được đầu tư.

Đây là ba lĩnh vực quan trọng, thời gian vừa qua, với sự tham mưu của Bộ GTVT, chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong điều kiện còn hạn chế về nguồn lực so với nhu cầu. Đến nay, diện mạo giao thông của các tỉnh trong vùng đã được cải thiện rõ nét” - ông Nguyễn Văn Bình đánh giá.

Phát triển hạ tầng GTVT phải tiếp được ưu tiên

Cùng cho ý kiến về phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, ông Trịnh Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai bày tỏ, đơn cử tuyến đường Nội Bài - Lào Cai hoàn thành đưa vào sử dụng đã có những tác động to lớn đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai… Bên cạnh những thành tựu đạt được đó, vẫn còn những tồn tại nhất định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là: Hạ tầng giao thông quốc lộ kết nối với các địa phương trong vùng; hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch, hạ tầng các khu, cụm doanh nghiệp, các dự án sắp xếp dân cư biên giới, hạ tầng vùng nông thôn còn thiếu và yếu. Công tác phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn từ năm 2016 trở lại đây gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, nhiều danh mục công trình bị dừng, giãn tiến độ hoặc chậm do thiếu nguồn lực đầu tư như: quốc lộ 279, quốc lộ 4, quốc lộ 4E… “Chính vì vậy cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa vận tải, đặc biệt là vận tải đường sắt…” - ông Trịnh Xuân Trường nêu quan điểm.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, việc xã hội hóa thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Sơn La vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các dự án chưa thực sự hấp dẫn về tính thương mại đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Để Sơn La cùng với các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc phát triển bắt kịp với sự phát triển chung của đất nước thì việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải tiếp tục là ưu tiên hàng đầu để tạo thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh” - ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Nghị quyết 37 đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng; thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước nói chung cũng như của vùng trung du miền núi Bắc bộ nói riêng, trong đó có những đóng góp hết sức to lớn của ngành giao thông vận tải và chính quyền địa phương các cấp.

Gợi mở một số phương hướng giải quyết vấn đề giao thông của vùng, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị cần có quy hoạch theo trục dọc để kết nối vùng trung du và miền núi Bắc bộ với vùng đồng bằng sông hồng; nghiên cứu quy hoạch theo trục ngang để kết nối các tỉnh trong vùng với nhau đồng thời kết nối vùng ra hướng biển với các tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ. Là vùng biên giới, nằm trên cửa ngõ ra biển và kết nối các nước ASEAN với các tỉnh phía nam Trung Quốc, cần nghiên cứu để khai thác được các tiềm năng từ thị trường rộng lớn này. Bên cạnh đó, cũng đề nghị cần nghiên cứu kết nối trục Đông – Tây với Lào để tạo hành lang giao thông từ nước bạn ra hướng biển.

Với những đặc thù của vùng thời gian tới cần xác định ưu tiên phát triển các loại hình giao thông vận tải theo thứ tự: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Nghiên cứu giải pháp nâng cấp sân bay Điện Biên nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng” - Trưởng ban kinh tế Trung ương lưu ý.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tu-cho-giao-thong-co-y-nghia-dac-biet-quan-trong-126754.html