Đầu tư cho phụ nữ là chìa khóa thịnh vượng của quốc gia

Khác với nam giới khi khởi nghiệp, phụ nữ gặp khó khăn hơn rất nhiều, bản thân họ phải có hoài bão vượt lên số phận, chấp nhận rủi ro với tinh thần đổi mới, sáng tạo... Ngoài ra, phụ nữ khởi nghiệp còn phải đối mặt với những yếu tố đặc thù về giới, sức khỏe và vai trò trong gia đình.

Các gương mặt nữ doanh nhân Việt của chương trình "Phụ nữ là doanh nhân" tại VN.

Phụ nữ là doanh nhân

Khởi nghiệp ở tuổi 60, bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH Trà Tâm Lan (Tây Ninh), thành lập công ty từ trải nghiệm sức khỏe của chính mình. Năm 2007, bà Lấn mắc phải nhiều căn bệnh tuổi tác như cao huyết áp, thấp khớp, thời gian nằm viện cũng không giúp sức khỏe của bà cải thiện hơn là mấy. Bà nhớ đến những bài thuốc khi xưa từng được cha - vốn là thầy thuốc - chỉ dạy, bà quyết định tìm kiếm những loại cây thuốc đem về chế biến uống. Không ngờ sau một thời gian sử dụng, sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ đây, ý tưởng đưa bài thuốc này ra thị trường để giúp nhiều người cải thiện sức khỏe được bà Lấn ấp ủ. Ban đầu, bà đưa thuốc do chính tay mình bào chế cho những người thân quen sử dụng miễn phí. Đến năm 2008, bà chính thức khởi nghiệp khi quyết định thành lập cơ sở sản xuất Trà Tâm Lan với số vốn ít ỏi.

Bà Lấn chia sẻ: “Khó nhất là khi tôi quyết định khởi nghiệp. Cả 10 đứa con đều phản đối quyết liệt vì cho rằng mẹ đã lớn tuổi. Nhưng ước mơ lớn nhất của tôi lúc ấy là muốn làm cái gì đó thu được lợi nhuận, sau đó có thể làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”. Với những nỗ lực không mệt mỏi, sản phẩm Trà Tâm Lan không những chinh phục thị trường trong nước, mà còn tham gia nhiều hội chợ ở nước ngoài... Đến nay, ở tuổi 69, bà Lấn là nguồn cảm hứng cho thông điệp “Khởi nghiệp không bao giờ là muộn”.

Chị Trịnh Thị Tuyết Vân (34 tuổi), CEO thương hiệu Emum (Công ty CP Thế giới Đầm bầu) bắt đầu sự nghiệp sớm, nhưng lại là bà mẹ trẻ có 3 con nhỏ. Với kinh nghiệm 10 năm trong ngành may gia công, ý tưởng về một thương hiệu chăm sóc phụ nữ sau sinh được thai nghén.

“Tôi đi đến nhiều nơi trên thế giới, tìm gặp nhiều người bạn có thể hỗ trợ chuyên môn, từ đó bắt đầu xây dựng thương hiệu từ việc cung cấp trang phục, sau đó là mỹ phẩm an toàn, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe, nhằm giúp đỡ người phụ nữ trong giai đoạn quan trọng của cuộc đời”, chị Vân chia sẻ.

Khi được hỏi về cách dung hòa giữa việc gia đình và công ty, vốn là bài toán của mọi phụ nữ hiện đại, chị Vân cho biết: “Tôi nghĩ, nếu người ta nói phía sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của người phụ nữ, thì người phụ nữ thành công, trước hết họ phải có một người chồng biết cảm thông. May mắn lớn của tôi là ông xã rất ủng hộ và chia sẻ với tôi trong cả hành trình theo đuổi đam mê lẫn việc chăm sóc gia đình”.

Chúng ta đều thành công

Mới đây, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam phối hợp cùng mạng xã hội Facebook khởi động chương trình “Phụ nữ là doanh nhân” tại Việt Nam, nối tiếp chuỗi thành công của “Phụ nữ là doanh nhân” trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với thông điệp: “Khi phụ nữ thành công, chúng ta đều thành công”, chương trình chia sẻ nhiều khóa đào tạo kiến thức, tạo điều kiện kết nối, cung cấp kỹ năng công nghệ cần thiết để xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh.

Theo bà Clair Deevy, Trưởng bộ phận Sáng kiến phát triển kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook, một nghiên cứu do Facebook ủy quyền cho tổ chức nghiên cứu thị trường Development Economics và YouGov thực hiện trong năm 2017 với 2.000 mẫu khảo sát trực tuyến dành cho người trưởng thành cho thấy, cứ 5 phụ nữ thì có 4 người muốn thành lập doanh nghiệp cho riêng mình.

Chỉ cần một nửa trong số họ tìm được cơ hội để bắt đầu kinh doanh, hiệu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra 1,1 triệu doanh nghiệp mới và 3,9 triệu việc làm đến cuối năm 2021.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, phụ nữ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc thành lập và phát triển doanh nghiệp.

Các yếu tố chính cản trở phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp chính là sự lo lắng về an toàn tài chính cá nhân (35%), thiếu định hướng (35%), thiếu tiếp cận tài chính (34%), chưa cảm thấy sẵn sàng để khởi nghiệp (32%).

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, mục tiêu của chương trình là giúp phụ nữ Việt Nam biết được cách thức khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp một cách thành công, góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ Việt Nam phát triển kinh doanh, bởi doanh nhân thành đạt trong tương lai có thể là bất cứ ai trong số họ. Một xã hội được coi là phát triển chỉ khi vai trò và vị thế của phụ nữ được nâng cao. Vì vậy, không quá khi nói rằng, “đầu tư cho phụ nữ” là chìa khóa cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

P.V

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dau-tu-cho-phu-nu-la-chia-khoa-thinh-vuong-cua-quoc-gia-post9673.html