Đầu tư chứng quyền có bảo đảm như thế nào?

Một loại công cụ phái sinh chứng khoán mới chuẩn bị ra mắt, nhằm tăng tính hấp dẫn cho thị trường.

Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant-CW) là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành và được niêm yết trên sàn chứng khoán có mã giao dịch riêng và có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở. Đặc điểm của CW là luôn gắn liền với 1 mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ. CW sẽ được công ty chứng khoán phát hành tại 1 mức giá xác định. Sau niêm yết, giá biến động trên cơ sở tăng giảm của mã chứng khoán cơ sở làm tham chiếu.

Nhà đầu tư mua CW có thể bán khi chứng quyền niêm yết trên sàn giao dịch hoặc giữ đến đáo hạn. NĐT giữ chứng quyền đến đáo hạn sẽ được nhận lãi chênh lệch bằng tiền mặt giữa giá thanh toán chứng quyền tại ngày đáo hạn và giá thực hiện của CW.

Có 2 loại chứng quyền:

Chứng quyền mua (call - kì vọng giá chứng khoán cơ sở tăng)

Chứng quyền bán (put - kì vọng giá chứng khoán cơ sở giảm)

Chiến lược đầu tư cho chứng quyền mua

1. Chiến lược đầu tư đáo hạn là giá cổ phiếu phải tăng vượt giá hòa vốn (giá hòa vốn= giá thực hiện+ phí mua quyền+ chi phí giao dịch thuế).

Ví dụ VnDirect phát hành CW của FPT, giá thực hiện là 45.000đ. Giá CW là 1.900đ, tỷ lệ chuyển đổi 2:1.

Với các nhà đầu tư thực hiện chiến lược giao dịch đợi đáo hạn thì giá hòa vốn (giá chứng khoán cơ sở) = 45.000 + 1.900x2 + thuế + phí.

2. Nhà đầu tư cũng có thể lướt sóng chứng quyền thông qua mua bán trên sàn và hưởng chênh lệch.

Theo quy định cho việc phát hành chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant-CW) thì công ty chứng khoán phải ký quỹ 50% lượng tiền tương đương với số CW phát hành để làm tài sản đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư, ngoài ra họ còn phải "xây kho" cổ phiếu với hệ số tối thiểu là 0,8; tức phát hành 1 triệu CW thì ít nhất phải có 800 nghìn cổ phiếu cơ sở nếu tỷ lệ chuyển đổi là 1:1. Điều này cho thấy CW là một loại sản phẩm khá "tốn kém" về tài lực cho công ty chứng khoán, và nếu phát hành càng nhiều mã thì số tiền công ty chứng khoán bỏ ra sẽ nhiều.

Về đặc tính sản phẩm thì hiện tai chỉ có chứng quyền mua (chiều lên) chứ chưa có chứng quyền bán (chiều xuống). Tức nhà đầu tư chỉ có thể kiếm lời theo chiến lược đầu tư đáo hạn là giá cổ phiếu phải tăng. Điều này cũng là bài toán hóc búa với nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán vận động tương đối yếu như hiện tại, nếu chứng khoán giảm điểm thì CW dễ bị" ế".

Với trạng thái thị trường hiện tại như vậy thì việc các công ty chứng khoán "dè dặt", khi chỉ phát hành một lượng nhỏ CW cũng như giới hạn ở vài mã có triển vọng tăng giá trong khung thời gian 3-6 tháng như FPT MWG hay MBB HPG là điều dễ hiểu, vì các công ty chứng khoán muốn tạo ra một sản phẩm mang tính "win -win" (hai bên cùng thắng) hơn là phần thiệt dồn hết cho nhà đầu tư thứ cấp, sẽ khiến độ hấp dẫn của CW giảm sút và mất đi những nguồn lợi như thị phần hay phí giao dịch.

Việc dè dặt về số lượng CW phát hành không mang lại nhiều lực cầu cho nhóm chứng khoán cơ sở (quanh 1 triệu đơn vị mỗi mã và chỉ có khoảng 8 công ty chứng khoán hàng đầu phát hành), vì hầu hết bộ phận tự doanh các công ty này đều "có hàng sẵn" nên việc tăng cầu cho nhóm CW này chỉ diễn ra trong trường hợp là thị giá nhóm này tăng mạnh và buộc các công ty kích hoạt mua phòng vệ (hedging). Còn trong biên độ cho phép thì gần như sẽ không có nhiều biến động từ hoạt động phòng vệ này.

Chung qui lại, khi lượng CW và mã chọn phát hành CW không nhiều thì gần như đây là một cuộc dạo đầu tương đối nhẹ nhàng và nhằm cung ứng sản phẩm mới cho nhà đầu tư, mức độ tác động của CW tới cung cầu cổ phiếu thị trường cơ sở dường như là không lớn, vì đã được chuẩn bị từ trước và nhóm cổ phiếu được chọn CW không được hưởng lợi nhiều từ hoạt động cung cầu này mà vẫn phụ thuộc chính vào nội tại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, vì là sản phẩm mới, kiến thức nhà đầu tư còn ít và yếu tố cung cầu vẫn trọng yếu, nên khi tham chiếu một số thị trường lân cận như Thái Lan hay Trung Quốc trong thời gian đầu CW vận hành, nhiều khả năng thị trường vẫn có những biến động không tuân theo quy luật, ví dụ như giá CW biến động ngược chiều với giá chứng khoán cơ sở đang niêm yết.

(*) Giám đốc Kinh doanh VnDirect TP.Hồ Chí Minh

Huỳnh Minh Tuấn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/chung-khoan/dau-tu-chung-quyen-co-bao-dam-nhu-the-nao-3329274/