Đầu tư công tác y tế dự phòng để phòng chống dịch bệnh

Y tế dự phòng đóng vai trò 'gác cổng' trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở, để thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu? Thực tế cho thấy, cần sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm phát triển y tế dự phòng với một mạng lưới rộng khắp, bám sát cơ sở, 'phủ' đều các khu, cộng đồng dân cư.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, giải quyết thách thức trong ứng phó dịch bệnh, không cách nào khác là các quốc gia, gồm cả Việt Nam, phải tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế để chuẩn bị tốt hơn trong dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời dịch bệnh.

Ðể thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế phải cần có những đáp ứng, thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ.

Trong đó, y tế dự phòng không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ... góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Ðội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng cường tới các chốt kiểm tra giám sát dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng (TTXVN)

Ðội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng cường tới các chốt kiểm tra giám sát dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng (TTXVN)

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành Y tế coi công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đầu tư cho y tế dự phòng của chúng ta vẫn còn những bất cập. Tình trạng chênh lệch về các chỉ số sức khỏe cơ bản giữa thành thị và nông thôn và gánh nặng do các bệnh lây nhiễm vẫn ở mức cao, cộng với tình trạng càng ngày càng khó kiểm soát thì sự xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, trong đó chủ yếu là các bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm A/H5N6, MERS-CoV, Ebola… là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế.

Cũng chính vì sự phát triển chưa đồng đều, rộng khắp mà y tế dự phòng còn chưa phát huy hết vai trò của mình. Ðầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho lĩnh vực này, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế. Thêm nữa, nhân lực, nhất là tuyến cơ sở, nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoa XIV vừa qua, các đại biểu nhấn mạnh rằng, tầm quan trọng của công tác y tế dự phòng là phòng, chống dịch bệnh và để bảo đảm sức khỏe cho con người.

Đồng thời, cũng giảm chi phí điều trị, góp phần giảm tải cho bệnh viện và trên thực tế kinh phí dành cho công tác y tế dự phòng cũng còn rất hạn hẹp.

Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18, trong đó, yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách cho y tế dự phòng nhưng hầu như tất cả địa phương chỉ dành 18% đến 22% cho công tác này, cá biệt có tỉnh chỉ chi 10%. Trong số này, 80% là dành cho chi lương, điện, nước và chi thường xuyên, do đó, kinh phí dành cho công tác dự phòng rất ít.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Bình Phước cho biết, vào mỗi mùa dịch, các bệnh viện lại xảy ra tình trạng quá tải và nguyên nhân của tình trạng này là do công tác y tế dự phòng còn yếu và kinh phí hoạt động này chỉ đáp ứng một phần cho các hoạt động phòng, chống dịch khẩn cấp. Công tác phòng dịch ngay từ đầu và toàn diện không được đảm bảo và theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết.

“Tôi đề nghị trong ngân sách Nhà nước nên dành một nguồn kinh phí thích đáng cho công tác y tế dự phòng, còn điều trị sẽ do bảo hiểm hoặc do người bệnh chi trả. Ở đây trừ các đối tượng được Nhà nước bảo trợ ra, chúng ta sẽ kêu gọi xã hội hóa cũng như các cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân” – Đại biểu Sang cho hay.

Đồng thời nhiều ý kiến cũng cho rằng tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân; khuyến khích các hình thức xã hội hóa trong triển khai các dịch vụ y tế cao; tăng chi thường xuyên cho y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số - phát triển

Chính phủ và ngành y tế đã xác định chăm sóc sức khỏe cho người dân không chỉ là điều trị khi có bệnh, mà quan trọng là dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Điều này càng cho thấy vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe người dân một cách toàn diện, liên tục, theo suốt vòng đời. Chính quyền địa phương cần có cách tiếp cận toàn diện đến các nhân tố liên quan đến sức khỏe để bảo đảm cho người dân có chất lượng cuộc sống và sức khỏe tốt nhất.

Những thay đổi về y tế cũng đặt ra yêu cầu cần tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương. Ví dụ, vấn đề về già hóa dân số và nhu cầu được chăm sóc tại cộng đồng; vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang có ảnh hưởng mạnh mẽ lên sức khỏe người dân; hay các vấn đề về an toàn thực phẩm, ứng phó với dịch bệnh…

Sự quản lý và điều phối hiệu quả của chính quyền địa phương sẽ giúp giải quyết sâu sắc, triệt để các vấn đề nói trên.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-tu-cong-tac-y-te-du-phong-de-phong-chong-dich-benh-n184928.html