Đầu tư dầu khí: Cân nhắc lợi ích quốc gia, không thu hút bằng mọi giá

Trên thực tế, thời gian qua cũng có những trường hợp đầu tư thu hút nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí phải trả giá rất đắt. Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, không nên đầu tư bằng mọi giá.

Không thu hút đầu tư dầu khí bằng mọi giá

Thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn. Do dó, việc hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Song nữ đại biểu cũng lưu ý cần đề cao tính thận trọng vì đây là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao. Thực tế sản lượng luôn giảm, số thu từ dầu thô chiếm 4,6% năm 2018 thì đến năm 2021 còn 2,6%.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

"Trên thực tế, thời gian qua cũng có những trường hợp đầu tư thu hút nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí phải trả giá rất đắt. Vì vậy, tôi nghĩ trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, không đầu tư bằng mọi giá", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý.

Về tính cụ thể của dự thảo luật, đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho biết, một trong những định hướng quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật là cần phải đảm bảo được tính cụ thể. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để cụ thể hóa tối đa những điều khoản, nội dung của dự thảo Luật.

Làm rõ quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) nêu vấn đề, do nhiều đặc thù của ngành dầu khí nên cần phải có những quy định riêng, đặc thù của ngành với những nội dung như điều tra cơ bản về dầu khí, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, triển khai thực hiện hoạt động dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí, công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hợp đồng dầu khí, quyền, nghĩa vụ của nhà thầu.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa)

Do vậy, quy định như Điều 4 về áp dụng là dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế là hoàn toàn phù hợp.

Đại biểu Thịnh nêu rõ, dự thảo Luật quy định về điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo, vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam mà còn có nhiều dự án hợp tác về dầu khí các quốc gia khác trên thế giới.

“Trong dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung một chương riêng để làm rõ quy định về hợp tác đầu tư hoạt động dầu khí Việt Nam tại nước ngoài, quy định rõ những nội dung nào cần tuân thủ những quy định gì để tránh gây nên những thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu rõ.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN "rất nhập nhèm”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại của dự án luật, đó là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng. Trong Dự Luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng chưa rõ ràng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, trong Dự Luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong Dự Luật. Theo đại biểu, quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

"Không khéo dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói và và đề nghị có thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN là "rất nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực". Dẫn chứng, có quy định PVN đóng vai trò là nhà thầu, nhưng có quy định lại đóng vai trò là công ty mẹ, hoặc thậm chí là vai trò quản lý nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre)

Chưa kể, thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công Thương nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%.

"Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền. Do đó, cần nghiên cứu, phân định rạch ròi quyền và trách nhiệm tương ứng", đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dau-tu-dau-khi-can-nhac-loi-ich-quoc-gia-khong-thu-hut-bang-moi-gia-post950573.vov