Đầu tư dự án năng lượng sạch: Cuộc chơi đắt đỏ

Hồ hởi tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, tuy nhiên, cuộc chơi tốn kém này cần có sự đồng hành của các 'trợ thủ' đắc lực.

Với nhu cầu điện ở Việt Nam tăng 12% mỗi năm, chính phủ đã đặt mục tiêu tạo ra 265 tỷ kWh điện vào năm 2020 và 570 tỷ kWh điện vào năm 2030. Điều này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng lên trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Rầm rộ làn sóng đầu tư

Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã được thông qua vào tháng 4/2017, tạo ra làn sóng đầu tư phát triển năng lượng mặt trời. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đầu tư một số dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt là 2.000 MW tại các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai.

Đầu tư năng lượng sạch sẽ giúp phát triển bền vững.

Trong khi đó, Tập đoàn Kosy cho biết sẽ khởi công một số dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió trong thời gian tới. Trong tháng 10, Tập đoàn Kosy sẽ khởi công Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc (Lai Châu). Với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, Dự án có công suất 34 MW, mục tiêu sau 2,5 năm sẽ phát điện, hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Một đơn vị khác đó là Tập đoàn TTC và Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) cũng hồ hởi tham gia vào các dự án năng lượng sạch bằng việc vừa đưa Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền (Huế) vào hoạt động. Với công suất 35 MW, đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên được khánh thành tại Việt Nam.

Với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự án này có 145.560 tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm.

Dự kiến đến năm 2019, nhà máy này sẽ mở rộng công suất thêm 29,5 MW, với diện tích 38,5 ha, đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai.

Ngoài việc khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, dự kiến quý IV/2018, Công ty cổ phần Điện Gia Lai sẽ chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (Gia Lai). Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong mảng năng lượng mặt trời này, TTC đang triển khai 6 nhà máy được bổ sung quy hoạch, vận hành trước tháng 6/2019. Kế hoạch chiến lược đến năm 2020, TTC sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 1.000 MW tại các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời…

Theo kế hoạch, TTC sẽ đầu tư 22.000 tỷ đồng để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Đến năm 2020, Tập đoàn TTC sẽ trở thành tổ chức tư nhân đầu tư hàng đầu về năng lượng sạch ở Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 4/2017, tỉnh Bình Thuận cũng đã ký thỏa thuận với một số doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) và các công ty thành viên đăng ký đầu tư 3 dự án năng lượng, với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. DLG sẽ đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, trên diện tích 309,26 ha, tổng vốn đầu tư dự án là 6.000 tỷ đồng.

Hay Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Đức Phú Gia đăng ký đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp điện năng lượng tái tạo Đức Phú Gia tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, diện tích 131,21 ha, tổng vốn đầu tư dự án 2.800 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình và xã Thiện Nghiệp, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, trên diện tích 211,6 ha, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng,...

Đầu tư... từ đâu?

Theo các chuyên gia, đầu tư năng lượng sạch là tất yếu, bởi chi phí năng lượng tái tạo đang giảm từ 9-12%/ năm và sẽ còn rẻ hơn nữa. Điều này khá thuận lợi cho các quốc gia đi sau như Việt Nam trong các quyết định đầu tư vào năng lượng sạch. Chưa kể, nếu xây nhà máy điện than cần 4-6 năm, trong khi làm điện gió, điện mặt trời chỉ mất 1 năm, cũng là một trong những lợi thế so sánh đáng kể cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và điện mặt trời, vẫn được xem là đắt đỏ khi so sánh với năng lượng hóa thạch. Các tổ chức cho vay địa phương không biết hoặc chưa biết làm thế nào để thẩm định năng lượng tái tạo, dẫn đến định giá sai lệch các rủi ro.

Tham gia "cuộc chơi" đắt đỏ này, bản thân TTC, dù có mục tiêu lớn, nhưng vốn tự có của doanh nghiệp này tại các dự án chỉ chiếm khoảng 30%, phần còn lại sẽ được Tập đoàn đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tài chính... Trong đó, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính và các hỗ trợ khác về kỹ thuật, đồng thời kêu gọi các đối tác cùng đầu tư vào ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch tại Việt Nam.

Trong khi đó, với Kosy để theo đuổi cuộc chơi tốn kém này, ông Cường lên kế hoạch vay vốn và bắt tay với đối tác nước ngoài. Cụ thể, đối với mảng dự án thủy điện, ông vay vốn ngân hàng trong nước và tự phát triển; với năng lượng mặt trời, ông chọn hướng bắt tay với đối tác Trung Quốc; với điện gió, ông thiên về hợp tác với đối tác Đức.

Tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là lớn, thị trường có và các cơ chế khuyến khích đầu tư có, tuy nhiên, doanh nghiệp và tổ chức tài chính cũng cần tìm được tiếng nói chung.

Về vấn đề này, bà Ruby Ojha, Chuyên gia Môi trường & Xã hội, Công ty Tài chính Quốc tế - IFC cho biết: Để có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp phải xây dựng được tiếng nói chung bằng các cơ chế cụ thể. Ví dụ, tổ chức tài chính phải khảo sát, đánh giá và thẩm định các dự án một cách kỹ càng, xác định phương án làm thế nào để giảm chi phí và rủi ro. Về phía mình, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ lộ trình, kế hoạch hành động của mình để ngân hàng hiểu và ngân hàng cũng cần xác định những thời điểm chấp nhận rủi ro để cùng giải quyết khó khăn trong 3-4 năm tới.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dau-tu-vao-nang-luong-sach-cuoc-choi-dat-do-137722.html