Đầu tư đúng mức để có công trình xứng tầm thời đại

Cần quan tâm đầu tư các công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn, hiện đại, trở thành biểu tượng quốc gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, khẳng định bản sắc và vị thế Việt Nam. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo Văn hóa 2024.

Chưa tương xứng mục tiêu, kỳ vọng

Nhìn vào hệ thống nhà hát trên cả nước hiện nay, GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Namthẳng thắn nhận xét: trên phương diện cơ sở vật chất - kỹ thuật, hệ thống nhà hát của chúng ta còn nhiều yếu kém, hạn chế. Một số nhà hát tuy phát triển tốt về khán giả, doanh thu, nhưng quy mô chưa đáp ứng theo quy định. Hầu hết nhà hát ở Việt Nam có quy mô nhỏ hẹp, như Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam chỉ 260 chỗ ngồi; Nhà hát Tuổi trẻ ở cả 2 cơ sở mới có 588 chỗ ngồi; Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổng cộng 2 cơ sở có 726 chỗ ngồi... Các nhà hát sân khấu truyền thống quy mô chỉ 300 - 400 chỗ ngồi. Cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng và biểu diễn.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Văn hóa 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Văn hóa 2024. Ảnh: Lâm Hiển

Ngay ở các đô thị lớn, Hà Nội ngoài Nhà hát Lớn được xây dựng từ thời Pháp, mới đây có thêm Nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn, sự kiện văn hóa trang trọng. Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình xây dựng một nhà hát quy mô, hiện đại tại Thủ Thiêm, Quận 2...

“Chúng ta đang rất thiếu nhà hát để tổ chức các sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế hay mời các ban nhạc, ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn. Hiện nay các đêm nhạc lớn chủ yếu phải diễn ra ngoài trời hoặc sân vận động, bị phụ thuộc vào thời tiết và không bảo đảm các điều kiện về sân khấu, trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng” - GS.TS. Từ Thị Loan nói.

Không chỉ nhà hát mà các thiết chế văn hóa, thể thao khác tại nhiều tỉnh, thành phố cũng chưa có quy mô xứng tầm. Ngay Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm văn hóa lớn của cả nước, sự phát triển của các công trình văn hóa, thể thao còn rất hạn chế. Hầu hết cơ sở vật chất của các thiết chế này chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn; một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô, kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng… Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu và sự kỳ vọng của thành phố.

“Trước yêu cầu thực tiễn đổi mới, hội nhập quốc tế, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao không chỉ đơn thuần là những công trình nhỏ lẻ, mà phải xứng tầm là cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại để tích hợp các hoạt động văn hóa, thể thao, dịch vụ vui chơi, giải trí, quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, kích cầu đầu tư, phát triển du lịch… cần được đầu tư đúng mức với nguồn ngân sách rất lớn mới bảo đảm được yêu cầu phát triển toàn diện của thời đại” - ông Dương Anh Đức nhận định.

Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư

Tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” nêu rõ: Xây dựng một số công trình văn hóa xứng tầm với thời đại tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn của cả nước. Còn Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 (Quyết định số 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.1.2013), tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn đang "thiếu những thiết chế văn hóa, thể thao hiện đại, có thể trở thành những biểu tượng văn hóa của đất nước, của các địa phương", như nhận định của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra thực tế: “Một số chỉ tiêu đề ra trong các chiến lược và quy hoạch về xây dựng các công trình văn hóa quốc gia chưa đạt; còn ít công trình văn hóa, thể thao có quy mô lớn, hiện đại, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở một số khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị chưa được quan tâm đúng mức”.

Một trong những nguyên nhân là kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”. Nhiều thiết chế gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình từng bước phải tự chủ tài chính và thiếu quỹ đất. Trong khi đó, quy định hiện hành chưa có cơ chế rõ ràng về hợp tác công tư để thu hút được thành phần xã hội tham gia đầu tư cho văn hóa...

Để hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, trong 5 nhóm vấn đề được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra có việc “ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể”… Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao mang tầm cỡ quốc gia, trở thành biểu tượng của đất nước, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa và chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Bởi thực tế, sự phát triển của văn hóa tinh hoa cũng cần gắn với những công trình văn hóa tiêu biểu, mang tính biểu tượng của thời đại Hồ Chí Minh.

Thảo Nguyên - Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/dau-tu-dung-muc-de-co-cong-trinh-xung-tam-thoi-dai-i371656/