Đầu tư đúng tầm cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) công bố kết quả xếp hạng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index) sau một năm xây dựng. Bộ chỉ số PII cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

Theo Bộ KH-CN, Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII), gồm 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo (thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp); 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH-CN và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động).

Bộ chỉ số PII 2023 cũng được xếp hạng theo 6 vùng kinh tế - xã hội. Theo đó, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao nhất với 45,17 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Đông Nam Bộ với 44,81 điểm. Các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số trung bình sát nhau, lần lượt là 36,96 điểm và 36,36 điểm. Các vùng Tây Nguyên; Trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp gần như nhau, lần lượt là 32,72 điểm và 32,19 điểm.

Theo kết quả công bố, Hà Nội là địa phương đạt chỉ số PII cao nhất cả nước với 62,86 điểm. Tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… Đồng Nai xếp ở vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng này với 44,44 điểm.

Theo Bộ KH-CN, việc xếp hạng các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ giúp các địa phương nhận biết về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương, bởi Chiến lược Phát triển
KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ xác định rõ: Phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả.

KH-CN và đổi mới sáng tạo còn được xem là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202404/dau-tu-dung-tam-cho-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-3af650b/