Đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam: Tránh 'đầu chuột, đuôi voi'

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư khi ngân hàng đang siết chặt vốn vay, nhà đầu tư phải chịu rủi ro.

Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhấn mạnh đầu tư cao tốc Bắc-Nam là hết sức cấp thiết, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư khi ngân hàng đang siết chặt vốn vay, nhà đầu tư phải chịu rủi ro, lợi nhuận với việc giá vé đường bộ bị điều chỉnh khiến họ rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Viễn cảnh nhà đầu tư “tiến thoái lưỡng nan”

Tại buổi thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào chiều nay (14/11), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, hiện Quốc lộ 1 mở rộng 4 làn xe, nhiều đoạn ùn tắc như Ninh Bình, Thanh Hóa… đường gom hạn chế, thành phần xe hỗn hợp thô sơ nên tốc độ hạn chế.

Hơn nữa, theo ông Phương, dự án có sự chuẩn bị kỹ lưỡng chuyển từ chỉ định thầu sang đấu thầu, chỉ làm đường mới mà không nâng cấp đường cũ hay đường hiện hữu, công khai minh bạch, rà soát kỹ lưỡng đầu tư BOT; phương thức huy động vốn PPP giảm áp lực nguồn vốn đầu tư.

Đại biểu Phương cũng lưu ý quy mô đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam phải tính đến hiệu quả, tầm nhìn quy hoạch dài hạn để tránh đầu tư xong không có xe đi, đầu tư ngay nhưng lại sớm bị quá tải đồng thời tiến hành giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh luôn một lần, hạn chế chi phí đền bù trong quy hoạch.

“Chính phủ cần mở rộng nghiên cứu quy hoạch đường bộ, hàng không, đường sắt để phân kỳ đầu tư của nền kinh tế trong nhu cầu bức thiết từng giai đoạn. Giải phóng mặt bằng và thi công đảm bảo tiến độ rút ngắn thời gian nếu chậm trễ một năm thì chi phí đội lên vì lãi suất, chi phí nhân công, ngân hàng làm thời hạn thu phí tăng; giá vé đường bộ được điều chỉnh như hiện nay thì nhà thầu không dám tham gia và rơi vào cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan,” đại biểu Phương đưa ra thực tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) kiến nghị Chính phủ xem xét tính cấp thiết một số đoạn để thiết lập thứ tự ưu tiên hợp lý. Đặc biệt, dự án không nên làm đường cao tốc chỉ 2 làn (như đoạn Cam Lộ-La Sơn ít nhất phải 4 làn).

Liên quan đến ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng để làm 654km là không đủ, ông Trí kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần cập nhật tính đủ và sát nhất để tránh “đầu chuột, đuôi voi” bởi các dự án khi thực hiện phải xin kinh phí do tính toán chi phí nguồn vốn đầu tư lấy số liệu các năm trước đó làm cơ sở.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ Chính phủ cần tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách, cắm mốc toàn bộ dự án quy mô 6-8 làn xe quy mô đến đâu đầu tư đến đó, khắc phục vấn đề giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, tiến độ thi công, chậm giải ngân…

Bên cạnh đó, Chính phủ chưa có đánh giá toàn diện các dự án đường Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh để xây dựng đường cao tốc mới với tầm nhìn dài hạn, quy hoạch giao thông vận tải thiếu tầm nhìn dài hạn dẫn đến điều chỉnh bổ sung và lãng phí nguồn lực đất nước.

Vốn đầu tư không hề đơn giản

Một vấn đề khiến nhiều đại biểu tranh luận và bày tỏ sự lo ngại là vốn vay đầu tư cho dự án.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, BOT vẫn là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước nên làm tuyến cao tốc theo hình thức cuốn chiếu, làm mẫu một đoạn tuyến để chuẩn giá thành chất lượng, kỹ thuật và mỹ quan như một số nước trong khu vực để coi đây là hình mẫu để nhân rộng.

Thừa nhận vốn đầu tư là vấn đề quyết định dự án, theo ông Vượt, ngoài 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để giải phóng mặt bằng, số tiền 63.000 tỷ đồng còn lại huy động nguồn lực của tư nhân trong đó nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu theo quy định từ 10 lên 15% (sẽ có khoảng 13.000/63.000 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư). Vậy, khoản 50.000 tỷ đồng nhà đầu tư sẽ phải vay ngân hàng.

“Vậy tổ chức tín dụng nào cho vay, nhà đầu tư nào được vay không hề đơn giản vì nợ xấu đang là nỗi ám ảnh của ngân hàng. Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế tăng tính minh bạch khả thi, chia sẻ rủi ro, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự,” ông Vượt kiến nghị.

Đánh giá việc tách đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam thành các dự án thành phần, phân chia phần Nhà nước giải phóng mặt bằng và có sự hỗ trợ cùng nhà đầu tư phần xây lắp là có cơ sở khoa học, đại biểu Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, Nhà nước bỏ ra 55.000 tỷ đồng cả giải phóng mặt bằng và phần xây lắp, số vốn còn lại là của nhà đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư và nhà nước đều lo ngại đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khó khăn.

Đề cập đến ý kiến Nhà đầu tư phải bỏ 100% vốn đầu tư và Nhà nước chỉ hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án, theo ông Dũng điều này là không khả thi. Dẫn chứng, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đấu thầu 2 đoạn là vành đai 3 Tân Vạn-Nhơn Trạch, Dầu Giây-Phan Thiết không thành công.

“Chính sự tín nhiệm ngân hàng, cơ chế chính sách có nhiều vấn đề, bất cập Nghị định 15 ra đời từ 2015 nhưng không có dự án triển khai được theo hình thức công tư (PPP). Nhà nước đã mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng chưa có một nhà đầu tư nước ngoài nào vào thành công. Vì thế, cần xem xét lại pháp luật cơ chế chính sách,” ông Dũng bày tỏ quan điểm./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dau-tu-duong-cao-toc-bacnam-tranh-dau-chuot-duoi-voi/475392.vnp