Đầu tư hạ tầng thương mại đồng bộ

Khi đời sống nâng cao, nhu cầu mua sắm của người dân, du khách ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu này, những năm qua, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư.

Không phải là chợ trung tâm, nhưng chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) hoạt động mua, bán diễn ra rất sôi động.

Điều này được thể hiện rõ với sự đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn. Từ năm 2010 đến hết 2018, có 132/133 chợ trên địa bàn tỉnh được xây mới, sửa chữa, nâng cấp, với tổng số vốn lên tới 1.736 tỷ đồng; trong đó vốn doanh nghiệp chiếm phần lớn (1.183 tỷ đồng), còn lại là vốn ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Liên (phố Chu Văn An, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) phấn khởi nói: “Trước đây, Hải Hà chỉ có 1 chợ trung tâm xuống cấp, lụp xụp, rất dễ cháy nổ; trong khi đó, dân số trên địa bàn ngày càng tăng, có cả lượng lớn công nhân đến làm việc tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà. Bởi vậy, việc tỉnh và doanh nghiệp đầu tư 2 chợ trung tâm khang trang, sạch sẽ trên địa bàn đã giúp người dân thuận tiện khi đi mua sắm...”.

Người dân mua rau sạch tại Siêu thị Big C Hạ Long.

Tỉnh còn quan tâm phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn, với việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư. Tỉnh chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, tạo thuận lợi trong giao thương buôn bán. Hầu hết các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn đã và đang được nâng cấp; cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn đã được đưa vào sử dụng; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tiếp tục được đầu tư... 29 tuyến đường thủy nội địa cấp quốc gia và 15 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý đều phát huy, phục vụ tốt cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa...

Cùng với đó, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cấp sở, ngành, địa phương (DDCI); đẩy mạnh hoạt động tương tác với doanh nghiệp. Các địa phương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp..., từ đó tạo niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh có 17 siêu thị (6 siêu thị hạng I; 4 siêu thị hạng II; 17 siêu thị hạng III); 30 cửa hàng vinmart; đặc biệt có 5 trung tâm thương mại lớn đang hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm theo phương thức hiện đại của nhân dân (Metro Hạ Long - nay đổi tên là MM Mega Market; Siêu thị BigC Hạ Long; Vincom center Hạ Long...) với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra còn một số siêu thị điện máy, gia dụng, như: Điện máy HC, Media Mart... thu hút lượng người mua sắm đáng kể hằng năm.

Vincom center Hạ Long luôn thu hút lượng lớn người dân và khách du lịch đến mua sắm.

Tận dụng lợi thế biên giới, cửa khẩu, cùng với đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ sâu trong nội địa; tỉnh còn chú trọng phát triển hạ tầng thương mại tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu. Những năm qua, tỉnh thu hút 23 dự án với tổng mức đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng vào các khu kinh tế cửa khẩu, cảng cửa ngõ trên địa bàn.

Với việc đầu tư hạ tầng thương mại đồng bộ đã tạo cho khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 gần 87.500 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm nay khoảng 15.100 tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ 2018). Thu ngân sách từ dịch vụ .....khoảng 5.758 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng thu nội địa. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn phát triển còn góp phần ổn định giá cả hàng hóa.

Hiện hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị phần lớn tập trung ở TP Hạ Long. Tuy nhiên trong tương lai gần hạ tầng thương mại, dịch vụ sẽ được đầu tư xây dựng ở hầu khắp các thành phố, đô thị khác của tỉnh. Vừa qua, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư trung tâm thương mại tại các thành phố: Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí... Khi hệ thống này hoàn thiện sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thương mại trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/dau-tu-ha-tang-thuong-mai-dong-bo-2433995/