Đầu tư lát đá vỉa hè: Tiền chi ra có tương xứng lợi ích thu về?

'Bao nhiêu tiền đã được chi ra để lát đá vỉa hè sau 6 năm?', không ít người có thắc mắc trên khi nhìn những tuyến hè phố đang được xới lại để lát đá tự nhiên sau vài năm cải tạo.

Sở Xây dựng cho biết, sau 6 năm triển khai kế hoạch cải tạo vỉa hè, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Không ít người có thắc mắc bao nhiêu tiền đã được chi ra để lát đá vỉa hè sau 6 năm.

Không ít người có thắc mắc bao nhiêu tiền đã được chi ra để lát đá vỉa hè sau 6 năm.

Dù được quảng cáo là bền hơn lát gạch truyền thống, nhưng hình ảnh những vỉa hè vỡ nát sau vài năm có thể được thấy ở bất cứ tuyến phố nào.

Trong khi đó, con số đầu tư vẫn rất khó để tìm thấy một cách chi tiết và đầy đủ cho dù Hà Nội vẫn duy trì trang thông tin về công khai ngân sách. Tất cả những số liệu về nguồn kinh phí dành cho cải tạo vỉa hè chỉ lác đác ở một vài chỗ.

Người dân có quyền được biết những thông tin này. Nhà thầu nào trúng thầu những đoạn cải tạo vỉa hè bằng lát đá tự nhiên? Chi phí bao nhiêu? Cam kết bảo hành của nhà thầu đến đâu? Trách nhiệm của nhà thầu thế nào khi chỉ vài năm vỉa hè lát đá đã vỡ nát? Trách nhiệm của chủ đầu tư? Việc xử phạt các nhà thầu thi công gian dối, thiếu trách nhiệm ra sao?

Hồi tháng 1/2018, đã có quan chức cấp cao của Hà Nội chất vấn những câu hỏi tương tự: "Việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao ban quản lý dự án các quận huyện làm không tốt? Quá trình duyệt dự toán thế nào? Có việc 'con ông cháu cha' cung cấp vật liệu để hưởng lợi không? Tôi biết là có việc đó”

Nhưng đến nay, sau hơn 4 năm, đó là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ câu trả lời.

Việc chỉnh trang đô thị bằng lát đá tự nhiên trên các vỉa hè ở Hà Nội có độ bền 70 năm chỉ thực sự hiệu quả và tiết kiệm khi độ bền đúng như cam kết. Nhưng vấn đề đang diễn biến theo chiều ngược lại.

Lát đá tự nhiên kiểu gì cũng đắt hơn gạch vỉa hè truyền thống. Người dân cần được biết sự đắt đỏ đó có xứng đáng với hiệu quả của từng đồng tiền thuế hay không. Nếu không thì Hà Nội cũng cần xem xét lại chủ trương này, chỉ lát đá tự nhiên ở những tuyến phố thực sự cần thiết.

Bãi đậu xe ô tô trên vỉa hè phố Giảng Võ được cấp phép. Ảnh: Lương Bằng

Cuối cùng, việc bảo vệ vỉa hè dành cho người đi bộ cũng cần được thực hiện nghiêm túc hơn. Không thể có chuyện đổ cho một phần lý do vỡ nát đá vỉa hè là do xe cộ đi lại, trong khi lại cấp phép biến vỉa hè thành bãi đỗ xe ô tô để cho ngày đêm bị cày xới. Đơn cử tuyến vỉa hè đường Giảng Võ lát đá tự nhiên đến đâu thì ô tô đậu ngày đêm tới đó. Đó lại là bãi đỗ xe được cấp phép, thu tiền. Quản lý như vậy không vỉa hè nào chịu được.

Rào chắn một số tuyến vỉa hè ngăn phương tiện leo lên cũng là cách hiệu quả để bảo vệ vỉa hè, giành lại đường cho người đi bộ.

Một bạn đọc của VietNamNet đã bình luận, “Vấn đề quan trọng làm đá hay làm bằng loại gì vừa đẹp vừa bền mà an toàn cho người đi bộ thì làm nhưng làm đảm bảo chất lượng và đúng giá trị. Phải xử lý thật nghiêm minh với trò làm ẩu, làm không đảm bảo chất lượng”. Đó chính xác là trách nhiệm của những người làm quản lý. Phải chấm dứt ngay việc năm nào cũng cày xới vỉa hè dịp cuối năm. Đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy bức xúc và có dấu hiệu của lãng phí!

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dau-tu-lat-da-via-he-tien-chi-ra-co-tuong-xung-loi-ich-thu-ve-2089734.html