Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm vận tải hàng hóa khu vực Cảng Cát Lái

Với lưu lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Cát Lái (quận 2) ngày càng tăng và vượt cao so quy hoạch đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để bảo đảm tốt nhu cầu vận tải hàng hóa của cụm cảng, qua đó góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cát Lái.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cát Lái.

Với lưu lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Cát Lái (quận 2) ngày càng tăng và vượt cao so quy hoạch đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để bảo đảm tốt nhu cầu vận tải hàng hóa của cụm cảng, qua đó góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, thống kê trong những năm gần đây lượng hàng hóa tập trung về Cảng Cát Lái ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Mới nhất, trong sáu tháng đầu năm 2019, lượng hàng hóa về cảng này đã đạt 58,8 triệu tấn, tăng 7% so cùng kỳ năm 2018. Trước đó, cả năm 2018, sản lượng hàng hóa đạt 63,6 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2017 và vượt 60% so quy hoạch về sản lượng đến năm 2020 (37 triệu tấn/năm). Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động vận tải lưu thông hàng hóa ở khu vực Cảng Cát Lái đối với nền kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, từ năm 2017, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phương án phân luồng điều tiết giao thông ở khu vực Cảng Cát Lát với nhiều giải pháp đồng bộ, đã mang lại hiệu quả bước đầu. Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh, Cảnh sát giao thông quận 2, lực lượng kiểm soát cảng của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý Cảng Cát Lái) duy trì lực lượng điều tiết giao thông 24/7 tại tất cả tuyến đường và nút giao thông ra, vào khu vực Cảng Cát Lái. Đồng thời, Sở GTVT đầu tư lắp đặt hệ thống ca-mê-ra quan sát các tuyến đường chung quanh khu vực cũng như kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông ra vào Cảng Cát Lái về Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn để phát hiện, xử lý sớm các tình huống ùn ứ giao thông trên các tuyến đường... Một cách căn cơ hơn, thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng một số công trình giao thông trọng điểm để hỗ trợ tối đa cho các phương tiện công-ten-nơ chuyên chở hàng hóa lưu thông ra vào cảng thuận tiện như hoàn thành giai đoạn 1 hầm chui và cầu vượt tại nút giao thông Mỹ Thủy, đưa vào khai thác cầu Bà Cua mới trên đường Võ Chí Công và cầu qua đảo Kim Cương (quận 2). Thành phố cũng đang khẩn trương xây dựng tuyến đường giao thông mới kết nối Cảng Cát Lái đến đường Võ Chí Công nhằm phá thế độc đạo của tuyến đường Nguyễn Thị Định lưu thông vào cảng; đẩy mạnh vận tải công-ten-nơ bằng đường thủy giữa các ICD (điểm thông quan nội địa) đến Cảng Cát Lái nhằm giảm khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn cho biết, từ khi thành phố đưa vào hoạt động nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1 và một số công trình giao thông mang tính kết nối trên địa bàn tình hình giao thông ở khu vực Cát Lái được cải thiện rất đáng kể. Ngoài ra, bản thân tổng công ty còn chủ động triển khai điều tiết hài hòa hàng hóa giữa bến Cảng Cát Lái, bến cảng SP-ITC và các bến cảng khu vực Cái Mép; đồng thời hoàn tất “Đề án hiện đại hóa thủ tục giao nhận tại cảng” để 100% khách hàng tới cảng đã thực hiện việc làm thủ tục giao nhận và thanh toán trực tuyến qua mạng, góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng cảng, các khu thủ tục trong cảng cũng như trên các tuyến đường ra, vào cảng. Bên cạnh đó, Cảng Cát Lái cũng triển khai các giải pháp tối ưu hóa công tác quy hoạch, điều chỉnh các quy trình sản xuất nhằm giảm thời gian phương tiện đậu chờ trong cảng gây ách tắc, tạo thuận lợi cho khách hàng, gia tăng tỷ trọng hàng hóa giao nhận bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ...

Nhìn nhận về hiệu quả giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực Cảng Cát Lái, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An cho rằng: dù thành phố đã dồn sức thực hiện nhiều giải pháp mạnh tay và quyết liệt nhưng tình hình ùn tắc giao thông ở khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, các nguy cơ để dẫn tới ùn tắc vẫn còn tồn tại và chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân trên thực tế, hiện hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng chủ yếu bằng đường bộ, không có đường chuyên dùng, tất cả các loại xe lưu thông ra vào cảng đều đi qua một hướng duy nhất là đường Nguyễn Thị Định; hệ thống hạ tầng chung quanh khu vực vẫn chưa có kinh phí để đầu tư theo đúng quy hoạch...

Về giải pháp lâu dài, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng như các đơn vị chức năng đề nghị thành phố chỉ đạo Sở GTVT sớm triển khai giai đoạn 2, hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy theo thiết kế; đẩy nhanh tiến độ tuyến đường Vành đai 2 cùng các giải pháp giao thông khác, giảm các nút giao cắt phương tiện trên đường vào cảng để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Đồng thời, xem xét cho phép chủ đầu tư Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) hoàn thiện đầu tư dự án cảng Khu công nghiệp Cát Lái giai đoạn 1 để tiếp nhận sà-lan trung chuyển công-ten-nơ từ khu vực Cái Mép về, hỗ trợ giảm tải cho đường bộ.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41226602-dau-tu-phat-trien-ha-tang-giao-thong-bao-dam-van-tai-hang-hoa-khu-vuc-cang-cat-lai.html