Đầu tư PPP: Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Tại hội thảo 'Dự án đối tác công - tư (PPP) và vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN)', diễn ra ngày 3/3/2020, các diễn giả nhận định, PPP đã có những đóng góp tích cực phát triển cơ sở hạ tầng..., song thực hiện còn phát sinh nhiều tồn tại, bất cập, vướng mắc, gây thất thoát, lãng phí. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư PPP là cần nâng cao cao vai trò, trách nhiệm của KTNN.

Theo ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, PPP đang là một mô hình hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, đô thị, giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án PPP trong thời gian qua gặp rất nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, công tác quản lý, điều hành, khai thác. Trong đó, việc cho phép đầu tư nhiều dự án PPP trên các tuyến quốc lộ đã dẫn đến phí chồng phí, tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, thiếu minh bạch trong thu và quản lý phí... Các nhà đầu tư thì lo ngại dự án PPP kéo dài dễ gặp rủi ro thay đổi chính sách, từ đó yêu cầu lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn. Công tác đánh giá sự cần thiết, lựa chọn áp dụng đầu tư PPP, đặc biệt là một số dự án trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, nguyên tắc thị trường chưa được tôn trọng, lựa chọn nhà đầu tư thiếu minh bạch, quản lý thu phí còn gây nhiều bức xúc cho người dân, các quy định của pháp luật về PPP còn chồng chéo, chưa đầy đủ.

Những năm vừa qua, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó có kiểm toán các dự án PPP (gồm BT, BOT...), KTNN đã tiến hành kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong đó có các dự án PPP. Kết quả cho thấy, hầu hết các dự án BOT, BT đều chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực. Một số nguồn thu, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án PPP chưa được hướng dẫn quản lý. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư PPP mới ở cấp thông tư và nghị định, khi triển khai còn nhiều vướng mắc, gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát…

Thông qua công tác kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hàng trăm năm đối với các dự án BT, BOT, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để “bịt lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

Các dự án PPP tập trung nhiều trong lĩnh vực hạ tầng giao thông

Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, được tổ chức là một hoạt động nhằm tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán đối với các dự án PPP; phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong công tác quản lý và thực hiện các dự án PPP, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả các dự án PPP, phát huy tốt nhất giá trị và lợi ích của các dự án PPP.

Tại đây, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng quản lý, vận hành các dự án PPP, những ảnh hưởng của tình trạng thiếu minh bạch tác động đến ngân sách quốc gia và kỷ luật, kỷ cương của nền tài chính quốc gia. Đặc biệt, đã tập trung làm rõ vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án PPP, cơ sở pháp lý KTNN nước kiểm toán các dự án PPP và đối tượng của KTNN. Đồng thời, chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quản lý dự án PPP gắn với vai trò của KTNN. Làm rõ các vướng mắc, bất cập về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến PPP.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - nhận xét: Kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT của KTNN thời gian qua cho thấy, đã góp phần quan trọng ngăn chặn thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công và khuyến nghị khắc phục các bất cập về cơ chế, chính sách liên quan các dự án PPP. Để xử lý tận gốc những tồn tại, hạn chế, Quốc hội cần sớm ban hành được Luật PPP, trong đó, đề cao vai trò của KTNN. Tại dự thảo Luật PPP đang được xây dựng, cần cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của KTNN đối với các dự án PPP, qui định các dự án PPP là đối tượng kiểm toán của KTNN. Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung một số quy định để có thể kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách hỗ trợ. Bởi cho dù các dự án BOT nhà nước không phải bỏ vốn ra, nhưng chỉ khi KTNN vào cuộc mới phát hiện ra nhiều sai phạm, nếu các dự án PPP nói chung chỉ được kiểm toán phần vốn nhà nước dẫn tới thiếu sự kiểm soát.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ngọc Phương, bản thân KTNN cũng cần khắc phục những hạn chế về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ… để phát huy tốt nhất vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, qua đó củng cố niềm tin, uy tín công vụ đối với doanh nghiệp và nhân dân. Cần phải xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm về lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm (nếu có) khi thực hiện công tác kiểm toán.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tu-ppp-phat-huy-vai-tro-cua-kiem-toan-nha-nuoc-133511.html