Đầu tư theo hình thức PPP nạo vét cửa Định An: Tại sao không?

Đó là câu hỏi do GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đặt ra tại hội thảo về phát triển dịch vụ logistics tại khu vực ĐBSCL.

Ngày 23/4 UBND TP. Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long”.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ tại hội thảo.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: Ngành GTVT nóng vội khi quyết định đầu tư dự án đào kênh tắc Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu. Dự án này dự kiến tổng mức đầu tư ban đầu chỉ hơn 3.000 tỷ đồng nhưng khi đi vào thực hiện đã đội vốn lên gần 11.000 tỷ đồng mà vẫn chưa xong. Hiện nay tuyến kênh tắc này vẫn chưa phát huy được tác dụng nên đã có nhiều ý kiến quay trở lại nghiên cứu việc nạo vét cửa Định An.

Riêng ý kiến cá nhân tôi, nếu cửa Định An được đầu tư nạo vét đến nơi, đến chốn chứ không nạo vét “cải lương” như trước đây sẽ phục vụ rất tốt cho tàu trọng tải lớn ra vào. Dự án này có thể thực hiện bằng hình thức đầu tư PPP trong điều kiện ngân sách có hạn”. - ông Trân nói.

Quang cảnh hội thảo.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ cho rằng để ĐBSCL phát triển thì phải có “đường ra biển”, nhưng hiện nay do tàu trọng tải lớn không vào được sông Hậu nên việc đầu tư cảng và trung tâm logistics sẽ không phát huy được hiệu quả.

Dưới góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, cho biết: Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu 65-70 ngàn tấn thành phẩm tại 2 nhà máy Cà Mau và Hậu Giang. Kim ngạch xuất khẩu đạt 750-800 triệu USD. Hiện nay doanh nghiệp phải thuê xe lạnh chở tôm lên TP HCM để đóng container chi phí tăng thêm từ 7-11 triệu/container và 60-70 tỷ đồng/năm. Ngành tôm đang cạnh tranh với Ấn Độ và Indonesia, nhưng do chi phí logistics cao giá tôm của Việt Nam phải bán cao hơn họ 1-2 USD/kg đây là một trở ngại cho ngành tôm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp cho biết: Theo báo cáo năm 2018 của Bộ Công Thương vừa công bố, tổng giá trị xuất khẩu Thủy Sản của Việt Nam đạt 8,79 tỷ USD, XK mặt hàng trái cây 3,81 tỷ USD, trong đó ĐBSCL chính là trung tâm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí Logistics cho xuất khẩu Thủy Sản & Trái Cây chiếm tỷ lệ vào khoảng 20-25% , như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (vào khoảng 10-15%), kết nối hạ tầng Logistics tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, ngay cả các cơ quan chức năng còn chưa rõ nên đẩy mạnh theo hướng nào là hiệu quả.

Yêu cầu về hoàn thiện chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng có bảo quản nhiệt độ và hàng trái cây cũng như chuỗi cung ứng Logistics cho mặt hàng này là một thách thức không hề nhỏ cho các nhà sản xuất, xuất khẩu, thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ Logistics.

Đại diện các bên thực hiên nghi thức ký kết hợp tác phất triển logistics.

Dịp này Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Tổng công ty Cảng biển Pyeongtaek - Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương và phát triển ngành logistics.

Huỳnh Khởi

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư theo hình thức PPP nạo vét cửa Định An: Tại sao không? tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dau-tu-theo-hinh-thuc-ppp-nao-vet-cua-dinh-an-tai-sao-khong-148970.html