Đầu tư tiền ảo dễ bị tội phạm lợi dụng

Theo pháp luật Việt Nam, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số (tiền ảo) không phải đồng tiền pháp định, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Các hình thức kêu gọi, huy động vốn đối với tiền ảo đều chưa được pháp luật công nhận.

Vụ “sập bẫy tiền ảo” ở Công ty CP Modern Tech (Q.1, TP.HCM) cho thấy nhiều người chưa thực sự hiểu tính pháp lý của tiền điện tử tại Việt Nam.

Trả lời PV Thanh Niên, đại úy Nguyễn Nam Hào, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an, khẳng định theo pháp luật Việt Nam, các đồng tiền điện tử (tiền ảo) không phải đồng tiền pháp định, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Các hình thức ICO (kêu gọi, huy động vốn đầu tư) tiền điện tử đều chưa được pháp luật chấp nhận.

Cho đến nay, mới có duy nhất nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định chế tài xử lý đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm Bitcoin và các loại tiền điện tử). Theo đó, mức xử phạt là từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, theo quy định của BLHS 2015, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 206 BLHS tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3 tỉ đồng trở lên, bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù.

Tiền điện tử mang tính ẩn danh cao

Đại úy Hào phân tích, Bitcoin và các loại tiền điện tử mang tính ẩn danh cao nên có thể bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền, mua bán hàng cấm, chuyển tiền trái phép qua biên giới...

“Hoặc giao dịch mua bán các mặt hàng phi pháp cũng rất dễ bị lợi dụng, bình thường các đối tượng mua bán hàng thường phải thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển qua ngân hàng. Việc thanh toán này rất dễ bị truy ra dấu vết, nguồn gốc tiền thanh toán. Nhưng nếu các đối tượng thanh toán bằng tiền điện tử thì rất khó phát hiện, rất khó truy ra dấu vết, khó chứng minh được giao dịch”, đại úy Hào phân tích.

Các đối tượng phạm tội còn sử dụng tiền ảo như là một phương tiện cất trữ tiền do phạm tội mà có, tiền bất hợp pháp, bằng cách chuyển đổi tiền bất hợp pháp thành tiền điện tử cất giữ trong tài khoản hoặc chuyển cho các đối tượng khác qua tài khoản tiền điện tử.

"Đặc biệt là các đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng, che giấu các khoản tiền bất hợp pháp, chuyển đổi tài sản vào tài khoản tiền ảo, cơ quan pháp luật sẽ khó truy tìm được tài sản hình thành do phạm tội mà có, không thể thu hồi được tiền thu lợi bất chính của các đối tượng", đại úy Hào nhấn mạnh.

Chấp nhận tiền điện tử như tài sản, hàng hóa?

Đại úy Nguyễn Nam Hào đánh giá, hiện nay, có nhiều ý kiến về việc chấp nhận tiền điện tử như là một loại tài sản hoặc hàng hóa như pháp luật của một số nước trên thế giới thừa nhận. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của nước ta thì chưa nên công nhận tiền điện tử và cần có quy định cụ thể để kiểm soát quản lý các hoạt động liên quan đến tiền điện tử như quản lý các hoạt động trao đổi, chuyển nhượng các loại tiền điện tử, huy động vốn đầu tư tiền điện tử.

"Cái khó khăn trong việc quản lý giao dịch, trao đổi, mua bán tiền điện tử hiện này là những người tham gia mở tài khoản đều mở tài khoản tại các sàn nước ngoài như Poloniex, Bittrex, Binance... nên Việt Nam không can thiệp, quản lý được. Người đầu tư chỉ cần vào trang web của các sàn trên mở tài khoản là có thể giao dịch thoải mái, ẩn danh, không sợ bị phát hiện...", đại úy Hào nhấn mạnh.

Từ những phân tích nói trên, đại úy Hào kiến nghị, pháp luật Việt Nam cần phải có quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ các sàn làm trung gian mua bán tiền ảo tại Việt Nam.

Theo đó, ngày 21.8.2017, Thủ tướng chính phủ có quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, ông Hào cho rằng với thực tế nước ta hiện nay thì cần có những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn để quản lý loại tiền này nhằm không để tội phạm lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.

Đừng đẩy người thân vào cảnh trắng tay

LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng khẳng định, “tiền ảo” là một loại tiền không có thật, không được pháp luật thừa nhận và việc giao dịch tiền ảo đã bị cấm theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với vụ "sụp bẫy" huy động tiền ảo của công ty Modern Tech xảy ra trước 1.1.2018 (ngày có hiệu lực của BLHS 2015) nên hành vi của Modern Tech sẽ không bị xử lý theo điều 205 BLHS 2015 mà có thể bị xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo qui định tại điều 139 BLHS 1999 có mức hình phạt cao nhất là chung thân.

Theo LS Thư, về mặt dân sự, đây là giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật nên vô hiệu toàn bộ theo quy định của điều 123 BLDS 2015. Theo đó, Công ty Modern Tech phải có nghĩa vụ hoàn lại tất cả các khoản tiền đã nhận của nhà đầu tư.

LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) đánh giá, người dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo với loại hình đầu tư tiền ảo. Đừng vì những lời cam kết "có cánh" với lãi suất cao mà tự mình đưa “tiền thật” đổi lấy “tiền ảo, lãi suất ảo”rồi tự đẩy mình và gia đình, bạn bè, người thân vào chỗ trắng tay, nợ nần chồng chất và đặc biệt có thể đối diện với nguy cơ vướng vào vòng lao lý.

Ngọc Lê

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/dau-tu-tien-ao-de-bi-toi-pham-loi-dung-951055.html