Đầu tư tỷ đô, Trung Quốc 'mua' ảnh hưởng tại Campuchia

Với những dự án đầu tư tỷ đô, Bắc Kinh đang tăng dần ảnh hưởng của mình với Campuchia. Những ảnh hưởng có tác động không chỉ đến nội bộ nước này.

Trong giới làm ăn ở Campuchia, không ai không biết đến tên tuổi "đại ca Fu", hay Fu Xianting. Từng là sĩ quan quân đội Trung Quốc, "đại ca Fu" có thân hình bệ vệ, giọng nói hùng hổ, củng cố thêm cho dáng vẻ oai phong.

Thế nhưng dáng vẻ đó vẫn phải "lu mờ" nếu đặt cạnh những mối quan hệ mà "đại ca Fu" có. Tại các sự kiện lớn, Fu đeo dải băng đỏ cùng với huy hiệu vàng trang trọng, những chi tiết nói về mối thân thiết giữa ông ta với Thủ tướng Hun Sen.

Theo điều tra của Financial Times, chính mối quan hệ này giúp "đại ca Fu" và công ty của mình, Unite International, được giao quyền khai thác một trong những khu vực ven biển đẹp nhất Campuchia, biến nó thành dự án du lịch trị giá 5,7 tỉ USD. Rất ít nhà đầu tư nước ngoài, nếu không muốn nói là chẳng có ai, được biệt đãi như Fu Xianting tại Campuchia.

Cầu Chroy Changvar II do Trung Quốc đầu tư xây dựng tại Campuchia. Ảnh: Xinhua.

Fu Xianting là một trong rất nhiều các công ty tư nhân Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt và kiếm lời tại Campuchia. Các công ty này được hỗ trợ rất lớn trong nỗ lực thâm nhập nhờ ảnh hưởng ngoại giao và sức mạnh tài chính của Bắc Kinh.

Theo Financial Times, Fu Xianting là ví dụ điển hình cho thấy sức mạnh kinh tế, các giao dịch hậu trường đang hút Campuchia thế nào vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

"Nói về tiền, Trung Quốc là số một", Phay Siphan, quốc vụ khanh trong Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, từng khẳng định. "Ảnh hưởng của Trung Quốc càng ngày càng lớn...chúng tôi chọn họ vì [các khoản đầu tư] không đi kèm điều kiện".

Trong 20 năm từ 1992 đến 2012, các nước phương Tây viện trợ cho Campuchia khoảng 12 tỷ USD, theo Sebastian Strangio, tác giả cuốn "Hun Sen's Cambodia" (Campuchia dưới thời Hun Sen).

Ngược lại, trong vòng 10 năm từ 2003 đến 2013, Trung Quốc đầu tư vào Campuchia 9,6 tỷ USD và cam kết sẽ đầu tư thêm 13 tỷ USD nữa, theo Viện nghiên cứu Hợp tác và Hòa Bình Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen tham dự lễ khánh thành nhà máy đường do Công ty Heng Fu Sugar của Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Preah Vihear tháng 4/2016. Ảnh: gdecn.com.

Về phía Campuchia, trong khoảng 8 triệu ha đất giao cho các doanh nghiệp từ năm 1994 đến năm 2012, có gần 60%, tức 4,6 triệu ha (lớn hơn cả diện tích nước Hà Lan), được giao cho các công ty Trung Quốc.

Đáng chú ý là hai dự án của Tập đoàn Union Development và Công ty Heng Fu Sugar. Union Development được giao 360 km2 trong khi Heng Fu Sugar được giao 430 km2. Tính ra, tổng diện tích đất thuộc hai dự án này lớn hơn cả diện tích thủ đô Phnom Penh.

Ngoài ra, sức hấp dẫn của Trung Quốc với Campuchia không chỉ giới hạn trong những số tiền khổng lồ. Được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng như các cơ quan quyền lực khác, các công ty Trung Quốc vốn có tiếng trong việc thực hiện các dự án hạ tầng một cách nhanh chóng chứ không trì hoãn do vấn đề nhân quyền hay môi trường như một số tổ chức phương Tây.

Mị lực của những con số

Một cuộc điều tra do Financial Times cho thấy Phnom Penh dành nhiều biệt đãi cho các nhà đầu tư Trung Quốc: diện tích đất cấp vượt quá giới hạn luật định, ra luật ưu tiên lợi ích của nhà đầu tư hay nỗ lực giải phóng mặt bằng...

Chẳng hạn, cả hai dự án của Union Development và Heng Fu Sugar đều vượt quá giới hạn 100 km2 đất cho thuê theo luật định đối với mỗi công ty. Heng Fu Sugar "lách luật" bằng cách thành lập 5 công ty nhỏ để mỗi công ty này được giao phần đất vừa đủ không vượt quá giới hạn cho phép.

Các nhóm hoạt động vì môi trường từng phản đối dự án resort Golden Silver Gulf do công ty của Fu Xianting đầu tư. Dự án được giao đất thuộc phạm vi vườn quốc gia Ream, vốn nằm trong diện bảo vệ nghiêm ngặt theo một sắc lệnh của Hoàng gia. Những người dân tổ chức biểu tình, ngăn cản việc xây dựng công trình.

Dự án Golden Silver Gulf được cấp phép trên diện tích thuộc vườn quốc gia Ream (điểm màu đỏ) tại tỉnh Sihanoukville. Đồ họa: Google Maps.

Tháng 5/2010, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia thu hồi giấy phép đã cấp cho tại khu vực nói trên. Quyết định này đã giao trách nhiệm xử lý cho bộ môi trường, nhưng không nói rõ liệu dự án có thực sự bị dừng lại hay không.

Tuy nhiên trong năm nay, công ty con của Unite là Yeejia Tourism đã công bố một số thỏa thuận liên quan đến dự án trên, dấu hiệu cho thấy dự án đã khởi động trở lại.

Một ví dụ khác là dự án thủy điện Hạ Sesan 2 trị giá 800 triệu USD do tập đoàn nhà nước HydroLancang của Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Stung Treng, đông bắc Campuchia. Dù bị phản đối bởi hàng nghìn người dân mất nhà cửa, mất kế sinh nhai, công trình thủy điện có công suất 400 MW được cho là sẽ vẫn hoàn thành theo dự kiến vào năm 2019.

"Việc của ông Fu cũng là việc của chúng tôi"

Phân tích văn bản do chính phủ Campuchia ban hành trong một số dự án cho thấy những dự án đầu tư của Trung Quốc được đích thân Thủ tướng Hun Sen tạo mọi điều kiện.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và "đại ca Fu" Fu Xianting. Ảnh: Financial Times.

Sự hỗ trợ của ông Hun Sen đóng vai trò quan trọng trong việc Fu Xianting trở thành một thế lực "đáng gờm" tại Campuchia. Năm 2009, ông Hun Sen từng gởi một bức thư chúc "đại ca Fu" thành công với dự án Golden Silver Gulf. Vị thủ tướng còn lập ra một ủy ban đặc trách với các đại diện từ 7 bộ ngành để hỗ trợ "đại ca Fu".

Bức thư được viết 9 tháng sau khi "đại ca" tặng 220 chiếc mô-tô cho đội cận vệ 3.000 lính của thủ tướng. Đây là lực lượng binh lính ông Hun Sen trực tiếp chỉ huy, được trang bị súng liên thanh Trung Quốc, súng phóng tên lửa và xe bọc thép chở quân. Trước đó, "đại ca Fu" cũng nhiều lần tặng những món quà tương tự cho đội quân này.

Đến tháng 4/2010, công ty Unite của Fu Xianting chính thức thiết lập "liên minh quân sự - thương mại" với đội quân trên. Đây là một thỏa thuận vô cùng hiếm thấy đối với một công ty nước ngoài tại Campuchia. Trong buổi lễ công bố, tướng Hing Bunheang - chỉ huy của đội quân và là một tay chân thân cận của ông Hun Sen - đã dành nhiều lời ca ngợi "đại ca Fu".

"Ông Fu là anh em nhiều năm của chúng ta, cũng là người có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của Campuchia", tướng Bunheang nói. "Việc của ông Fu cũng là việc của chúng tôi. Chúng tôi sẽ mở đường để ông Fu thực hiện tất cả những dự định của mình".

Fu Xianting bắt đầu gầy dựng sự nghiệp ở Campuchia từ đầu những năm 1990 khi ông ta đến đây tổ chức triển lãm về máy móc nông nghiệp. Fu là thành viên của Hội Liên hiệp Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc, một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao . Tuy nhiên, giới kinh doanh trong nước dường như không ai biết đến Fu.

Ngược lại, ở Phnom Penh, Fu Xianting có lẽ là doanh nhân Trung Quốc có ảnh hưởng nhất. Được xem là cố vấn chính thức của Thủ tướng Hun Sen, "đại ca Fu" từng nhiều lần được chính phủ và quân đội Campuchia tôn vinh.

Mối quan hệ nồng ấm

Năm 2012, Barack Obama là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ thăm Campuchia. Trên đường đi đến trụ sở chính phủ, ông Obama được cho là đã nhìn thấy 2 tấm băng rôn lớn trưng dòng chữ "Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa muôn năm".

Trong quá khứ, ông Hun Sen không phải lúc nào cũng đứng về phía Trung Quốc. Nhưng trong 15 năm qua, nhà lãnh đạo Campuchia dần dần trở thành người thân cận với Bắc Kinh. Ông Hun Sen nhiều lần ca ngợi Bắc Kinh là "người bạn đáng tin nhất".

Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm 2014. Ảnh: Getty.

Có thể thấy, những khoản đầu tư lớn mà Campuchia cho là "không điều kiện" từ Trung Quốc đã giúp Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị trong nhiều vấn đề địa chính trị khu vực.

Tháng 7/2016, Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia 600 triệu USD. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Bắc Kinh "đánh giá cao" lập trường của Campuchia mà "lịch sử đã cho thấy là điều đúng đắn". Vài ngày sau, Bắc Kinh cho biết họ sẽ đầu tư xây dựng tòa nhà quốc hội trị giá 16 triệu USD tại Phnom Penh.

Những ngày này tại tỉnh Koh Kong, Campuchia, một cảng nước sâu trị giá 3,8 tỷ USD do tập đoàn UDG Trung Quốc đầu tư xây dựng sắp hoàn thành. UDG từng được giao kèo "hiếm thấy" vào năm 2008 để kiểm soát tới 20% tổng chiều dài bờ biển Campuchia.

Cảng biển nằm bên bờ vịnh Thái Lan được cho là có thể tiếp nhận hầu hết các loại tàu chiến, tàu khu trục của hải quân Trung Quốc trong trường hợp cần thiết.

Đông Phong (Theo Financial Times)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dau-tu-ty-do-trung-quoc-mua-anh-huong-tai-campuchia-post680358.html