Đầu tư ứng dụng khoa học vào nông nghiệp: Ít vốn, thiếu đồng bộ

Ứng dụng khoa học vào nông nghiệp là yếu tố quan trọng để thay đổi nhận thức của nông dân trong phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mới theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, do ngân sách đầu tư vào lĩnh vực này còn thấp, các doanh nghiệp thiếu vốn nên không có điều kiện đồng bộ từ sản xuất đến chế biến... dẫn tới năng suất, chất lượng sản phẩm không cao.

 Chăm sóc hoa tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Chăm sóc hoa tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Khó từ chính sách đến thực tiễn

Theo khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), có tới 80,9% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, trong đó 56,2% doanh nghiệp thấy đặc biệt khó khăn. Chính sách ưu đãi phát triển khoa học công nghệ còn ít và chưa đủ mạnh nên chưa tạo được động lực để các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp công nghệ đẩy mạnh đầu tư. Những quy định về cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu trong chuyển giao công nghệ còn chưa hiệu quả.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Các quy định về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của tác giả công trình nghiên cứu; chưa ngăn chặn hiện tượng sao chép kết quả nghiên cứu, dẫn đến giảm nhiệt tình chuyển giao công nghệ. Các sản phẩm khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp khi đưa ra thực tiễn còn bị "rào cản" về quy định ngành, các thủ tục pháp lý chưa linh hoạt để hỗ trợ các sản phẩm khoa học công nghệ; ngân sách đầu tư của Nhà nước cho khoa học công nghệ còn thấp, chỉ đạt dưới 2% tổng chi ngân sách và tương đương 0,4% GDP. Con số này bằng 25% so với Malaysia, 1% so với Nhật Bản và 0,5% so với Trung Quốc...

Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết, thành phố chưa có các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện mới có 2 dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố mới đạt 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong canh tác hoa, khoảng 110ha bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu với quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện nay 68,3ha và chỉ có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Cây ăn quả có 924ha ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố)...

Điều này cho thấy, công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, dẫn tới năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất chưa cao.

Theo bà Bùi Hường Bích - Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng), hiện nay, ứng dụng khoa học vào sản xuất hoa cần rất nhiều vốn, trong khi đó, năng lực của cơ sở sản xuất còn hạn chế, nên việc đầu tư chưa đồng bộ, chỉ thực hiện từng bước theo khả năng...

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao

Để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, ứng dụng khoa học vào nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian tới, Hà Nội tập trung ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhân rộng mô hình “nông nghiệp sinh thái”, “nông nghiệp đô thị”, tạo ra những mặt hàng nông sản sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp, chủ trang trại cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào canh tác, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản như: Sử dụng nhà lưới, ni lông che phủ trong trồng trọt, công nghệ sản xuất cá giống trong nuôi trồng thủy sản.

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long kiến nghị: Các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi với những trang trại có tổng đàn lớn để xây dựng hệ thống chuồng nuôi hiện đại. Từ đó, sẽ thuận lợi khi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Hệ thống làm mát, thức ăn tự động, xử lý môi trường... Các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên mở lớp tập huấn, trang bị cho nông dân (trực tiếp sản xuất) những kiến thức: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; bảo vệ thực vật; giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất có hiệu quả đưa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, ngành Nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...

Các đơn vị của Bộ tiếp tục triển khai thực hiện 59 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước thuộc chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp và thủy sản; 15 nhiệm vụ thuộc chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 80 dự án về khuyến nông chuyển giao khoa học công nghệ... áp dụng vào thực tiễn sao cho hiệu quả.

Song hành, Bộ tích cực đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, quốc gia thuộc Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi, Mỹ Latinh... để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch tăng cường, mở rộng hợp tác. Qua đó, tranh thủ thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, cập nhật khoa học công nghệ mới nhằm hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/897638/dau-tu-ung-dung-khoa-hoc-vao-nong-nghiep-it-von-thieu-dong-bo