Đầu tư vào nông nghiệp: Sẽ lấy doanh nghiệp làm hạt nhân

Việc nỗ lực hoàn thiện khung thể chế, cởi trói vướng mắc về vốn, đất đai của Chính phủ và ngành chức năng thời gian qua đã góp phần mở đường đón một làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng để đạt được như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ là 10 năm tới ngành nông nghiệp phải đứng top 15 nước phát triển nhất thế giới, thì còn nhiều việc phải làm.

Liên kết cùng thắng

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, thời gian qua, nhờ thực hiện nhiều giải pháp đổi mới và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp được hình thành; nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ.

Sản xuất rau thủy canh tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Văn Việt

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Sẽ lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị.

Trong đó, loại hình doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất và phổ biến nhất; nhưng thực tế các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn bán qua hệ thống thương lái, chỉ một phần nhỏ có liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng cung cấp đầu vào.

Tình hình tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn chưa thực sự phổ biến. Năm 2016 cả nước có 2.262 cánh đồng lớn với gần 620.000 hộ tham gia trên diện tích gần 580.000ha, chủ yếu đối với lúa. Mía là cây trồng có tỷ lệ diện tích cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất cao nhất, đạt gần 97%; chè đạt hơn 53%.

Loại hình hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp chủ yếu phổ biến trong chăn nuôi, nhất là trong nuôi lợn, gà. Các điển hình áp dụng mô hình này có thể kể đến như Công ty C.P Việt Nam, DABACO, Emivest…

Loại hình hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp là hình thức khá tiên tiến và có một số doanh nghiệp như Công ty Mía đường Lam Sơn, Công ty Cao su Sơn La… đang áp dụng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp (như Công ty Nam Cường ở tỉnh Nam Định, TH TrueMilk, Trường Hải…) gần đây bắt đầu xây dựng các chuỗi liên kết khép kín theo cách thuê/mua đất của nông dân, sau đó thuê chính người đã bán/cho thuê đất làm “công nhân” sản xuất theo quy trình và tiêu thụ trực tiếp trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị của các doanh nghiệp này.

Tuy vậy, tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp do Bộ KHĐT phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức ngày 30.7 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng chỉ rõ những thách thức đang cản trở doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đó là nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ. Đến nay chúng ta có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ. Thứ hai là thách thức biến đổi khí hậu mà Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất. Thách thức thứ ba là hội nhập, dù nông sản của Việt Nam đã đến được 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng mặt trái là áp lực cực lớn khi một số FTA thực hiện thì thị trường bị đe dọa nếu chúng ta không tổ chức sản xuất tốt.

Đó là chưa kể, hệ thống hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác phát triển còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đến hết năm 2017, cả nước có 32 liên hiệp HTX nông nghiệp và 11.688 HTX nông nghiệp hoạt động; nhưng hơn 23% số này hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ kéo dài. Hiện chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và có hiệu lực, hiệu quả đi kèm với các cơ chế, chế tài đủ mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững.

Doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự hoàn thiện về thể chế, chính sách đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ, ngành chức năng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành hạt nhân trong chuỗi liên kết.

3 năm gần đây, Quốc hội đã thông qua 3 bộ luật về nông nghiệp, kỳ họp tháng 10 này dự kiến thông qua 2 bộ luật nữa. Trong 2 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành không dưới 10 nghị định như Nghị định 57 ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, Nghị định 58 về bảo hiểm, Nghị định 98 về liên kết chuỗi... “Chưa bao giờ với thời gian ngắn lại ra đời được nhiều văn bản, chính sách như vậy”, Bộ trưởng Cường khẳng định.

Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Sẽ lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cam kết sẽ đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và bà con nông dân để triển khai thực hiện tốt nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước làm sao đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta phát triển lên tầm cao mới trong giai đoạn tới.

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/dau-tu-vao-nong-nghiep-se-lay-doanh-nghiep-lam-hat-nhan-900152.html